|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nợ khó đòi của nhiều doanh nghiệp dâng cao

07:00 | 22/02/2024
Chia sẻ
Hệ luỵ từ sự suy yếu của thị trường bất động sản đã tác động liên đới tới các doanh nghiệp thầu xây dựng, thép khi các đơn vị này phải tăng trong trích lập dự phòng do nhiều chủ đầu tư rơi vào tình trạng mất thanh khoản.

Theo quan sát từ báo cáo tài chính hợp nhất của các doanh nghiệp trong quý IV, dự phòng phải thu khó đòi ghi nhận tăng cao trong năm 2023. Dự phòng nợ phải thu khó đòi là dự phòng phần giá trị tổn thất của các khoản nợ phải thu đã quá hạn thanh toán và khoản nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng có khả năng không thu hồi được đúng hạn.

Điều này kéo theo chi phí quản lý doanh nghiệp tăng theo, bào mòn lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp, thậm chí khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh thua lỗ.

Nợ xấu nhóm xây dựng dân dụng tiếp tục leo thang

Ngành xây dựng dân dụng có mối liên hệ mật thiết với thị trường bất động sản. Thị trường bất động sản suy yếu, các chủ đầu tư bất động sản gặp nhiều khó khăn về dòng tiền, dẫn đến các nhà thầu phải trích lập dự phòng nợ khó đòi tăng đáng kể trong năm vừa qua.

Tại ngày 31/12/2023, tổng nợ xấu của CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) là 1.660 tỷ, trong đó phải trích lập dự phòng 1.178 tỷ.

Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Coteccons thuyết minh nợ xấu chủ yếu đến từ Công ty TNHH Bất động sản Ngôi sao Việt - đơn vị thành viên của Tân Hoàng Minh, Công ty TNHH Saigon Glory và CTCP Đầu tư Minh Việt. Trong đó, khoản nợ xấu 143 tỷ của Saigon Glory mới xuất hiện trong báo cáo quý này và phải trích lập dự phòng 100%. Còn khoản nợ xấu với Tân Hoàng Minh đến từ các dự án đã bàn giao từ trước năm 2020 và đã được trích lập dự phòng toàn bộ. 

Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý IV.

Saigon Glory được giới thiệu là chủ đầu Khu văn phòng - thương mại - căn hộ ở - khách sạn 6 sao tại Khu tứ giác Bến Thành (The Spirit of Saigon), gồm hai tòa tháp 46 tầng và 55 tầng, 214 căn hộ ở đã được cấp phép mở bán và 250 phòng khách sạn 6 sao. Tổng chi phí phát triển dự án khoảng 14.400 tỷ đồng.

Chủ đầu tư này đang bị kẹt về dòng tiền và gặp khó trong việc xử lý tài sản bảo đảm để thanh toán lãi và gốc cho lô trái phiếu 10.000 tỷ đồng.

Còn với CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC), tính tới hết năm 2023, tập đoàn phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 2.127 tỷ đồng, giảm 378 tỷ đồng sau một quý.

Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Phó Chủ tịch Lê Viết Hiếu từng thông tin tới cổ đông, tổng nợ tính đến ngày 17/10/2023 bao gồm lãi chậm thanh toán còn khoảng 9.192 tỷ đồng. Các chủ đầu tư nợ nhiều nhất gồm: Novaland, Sun Group, Sunshine, Gamuda Land, Vingroup, Cocobay, Ecopark, MIKGroup, My Way Group. 

Liên tới khoản công nợ với dự án của Tân Hoàng Minh, bà Mai Lê, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán Coteccons chia sẻ với cổ đông rằng: "Đây không phải là một vấn đề dễ dàng. Ở Tân Hoàng Minh, những người có thể giải quyết, thương lượng công nợ với Coteccons hiện không thể xuất hiện. Coteccons vẫn đang bám sát việc thu hồi và có thể đưa ra toà. Coteccons sẽ không bỏ qua khoản nợ nào và sẽ theo đuổi đến cùng".

"Thị trường bất động sản vẫn chưa hết khó, các khách hàng của Coteccons vẫn đang gặp khó khăn về dòng tiền. Vì vậy, Coteccons vẫn tiếp tục trích lập dự phòng. Năm 2024, Coteccons dự kiến trích lập dự phòng khoảng 90 tỷ", lãnh đạo Coteccons thông tin.

Ngoài ra, bà Mai Lê cũng chia sẻ thêm nếu chủ đầu tư có khó khăn về mảng thương mại, Coteccons sẽ ngồi lại cùng chủ đầu tư để có thể thương lượng đổi công nợ thành sản phẩm bất động sản trên cơ sở tốt về pháp lý và thanh khoản.

Nếu không thể thương lượng thu hồi nợ thì Coteccons sẽ tiến hành các bước tiếp theo liên quan tới pháp lý.

Tương tự, với Xây dựng Hoà Bình, khó khăn của các chủ đầu tư đẩy nhà thầu này vào giai đoạn khó khăn nhất trong hơn 30 năm hoạt động. Đối với một số khách hàng chây ì trong việc thanh toán nợ, công ty buộc phải áp dụng các giải pháp pháp lý là đưa ra tòa. 

Đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng lao đao vì chủ đầu tư kẹt dòng tiền

Sự khó khăn về dòng vốn của các chủ đầu tư cũng tác động liên đới tới một số doanh nghiệp thép - đơn vị cung cấp vật liệu cho các dự án.

Cuối quý IV/2023, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) ghi nhận 1.284 tỷ đồng nợ xấu, doanh nghiệp phải trích lập dự phòng 553 tỷ, tăng 300 tỷ so với cuối quý III và tăng 500 tỷ so với đầu năm.

Nợ xấu của SMC chủ yếu nằm ở nhóm bất động sản. Doanh nghiệp phải trích lập dự phòng 298 tỷ, gấp 2,3 lần sau một quý cho ba doanh nghiệp thành viên của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - Mã: NVL) gồm Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận, Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley, Công ty TNHH The Forest City.

Trong đó, Delta - Valley Bình Thuận là chủ dự án NovaWorld Phan Thiết, Đà Lạt Valley là chủ đầu tư dự án Aqua Waterfront City và The Forest City là chủ đầu tư dự án NovaWorld Hồ Tràm - The Tropicana.

 

  Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất.

Việc tăng trích lập dự phòng khiến chi phí quản lý doanh nghiệp của Thép SMC gấp 7 lần cùng kỳ lên 326 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp lỗ ròng 330 tỷ đồng quý IV.

ACV phải trích lập dự phòng hàng nghìn tỷ với các hãng hàng không

Năm 2023, ngành hàng không Việt Nam chứng kiến sự phục hồi, mặc dù lượng hành khách quốc tế Trung Quốc phục hồi chậm. Song những hệ luỵ từ các năm đại dịch COVID-19 vẫn đeo bám sức khoẻ tài chính của các doanh nghiệp hàng không.

Cuối năm 2023, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV) -doanh nghiệp đang quản lý, đầu tư, khai thác hệ thống 22 cảng hàng không trong nước, ghi nhận khoản nợ xấu có giá gốc 6.521 tỷ từ các hãng hàng không, trong đó doanh nghiệp phải trích lập dự phòng 3.645 tỷ, gấp 2,9 lần con số đầu năm.

Trong đó, ACV có khoản phải thu 2.112 tỷ với Bamboo Airways, 850 tỷ ở Pacific Airlines và đều dự phòng xấp xỉ 90% giá trị. Bamboo Airways, Vietnam Airlines hay Pacific Airlines vẫn đang phải tái cấu trúc toàn diện sau giai đoạn thua lỗ.

  Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất.

Đẩy mạnh trích lập dự phòng khiến chi phí quản lý doanh nghiệp của ACV tăng gấp đôi so với 2022 lên 3.355 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng bào mòn lợi nhuận Viettel Global

Một doanh nghiệp ghi nhận việc trích lập dự phòng lớn trên sàn là Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - Mã: VGI).

Cuối năm 2023, Viettel Global phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi 14.088 tỷ đồng, tăng 50% so với đầu năm khiến tổng giá trị các khoản phải thu ngắn hạn chỉ còn 10.944 tỷ đồng.

Nợ xấu của Viettel Global chủ yếu nằm ở các khoản phải thu về cho vay của hai công ty là Viettel Cameroon S.A.R.L và Công ty TNHH Telecom International Myanmar.Trong đó, Telecom International Myanmar đang là công ty liên kết do Viettel Global nắm 49%, chuyên đầu tư mạng viễn thông ở thị trường Myanmar.

Viettel Global bắt đầu trích lập dự phòng vào công ty ở Myanmar bắt đầu từ cuối năm 2022 do có những thông tin bất lợi về tình hình chính trị tại đây. Doanh nghiệp từng thông tin việc trích lập dự phòng là nhằm đảm bảo có nguồn tài chính dự phòng khi tổn thất thực sự xảy ra, chi phí này không phát sinh bằng tiền và không ảnh hưởng đến dòng tiền của công ty.

Doanh nghiệp cũng phải trích lập dự phòng 100% cho khoả phải thu từ Viettel Cameroon S.A.R.L với giá gốc 4.279 tỷ.

   Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất.

Với khoản trích lập dự phòng tăng mạnh trong năm qua khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 12% so với 2022 lên 7.485 tỷ đồng.

Mức trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi được quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 48/2019/TT-BTC như sau:
(1) Đối với nợ phải thu quá hạn thanh toán, mức trích lập dự phòng như sau:
- 30% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm.
- 50% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm.
- 70% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 2 năm đến dưới 3 năm.
- 100% giá trị đối với khoản nợ phải thu từ 3 năm trở lên.
(2) Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông và doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ hàng hóa, khoản nợ phải thu cước dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền hình trả sau và khoản nợ phải thu do bán lẻ hàng hóa theo hình thức trả chậm/trả góp của các đối tượng nợ là cá nhân đã quá hạn thanh toán mức trích lập dự phòng như sau:

- 30% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng.

- 50% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng.

- 70% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng.

- 100% giá trị đối với khoản nợ phải thu từ 12 tháng trở lên.

(3) Doanh nghiệp tự dự kiến mức tổn thất không thu hồi được (tối đa bằng giá trị khoản nợ đang theo dõi trên sổ kế toán) để trích lập dự phòng trong các trường hợp sau đây:

- Các khoản nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng doanh nghiệp thu thập được các bằng chứng xác định tổ chức kinh tế đã phá sản, đã mở thủ tục phá sản, đã bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh;

- Đối tượng nợ đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử hoặc đang thi hành án hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo (có xác nhận của bệnh viện) hoặc đã chết hoặc khoản nợ đã được doanh nghiệp yêu cầu thi hành án nhưng không thể thực hiện được do đối tượng nợ bỏ trốn khỏi nơi cư trú;

- Khoản nợ đã được doanh nghiệp khởi kiện đòi nợ nhưng bị đình chỉ giải quyết vụ án.

Hoàng Kiều

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.