|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Coteccons phát sinh khoản nợ xấu 143 tỷ từ Saigon Glory

11:14 | 01/02/2024
Chia sẻ
Khoản nợ xấu của Saigon Glory mới xuất hiện trong báo cáo quý này của Coteccons và phải trích lập dự phòng 100%.

Trong bối cảnh cạnh tranh trong ngành gay gắt và nhu cầu thấp trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, báo cáo tài chính hợp nhất quý II niên độ 2023 - 2024 (1/7/2023 - 30/6/2024) của CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) cho thấy doanh thu thuần đạt 5.660 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 9% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận gộp đạt 169 tỷ đồng, tương đương với biên lợi nhuận gộp gần 3%, có sự cải thiện so với mức gần 2,8% cùng kỳ niên độ trước.

Chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm 33% so với cùng kỳ do dư phòng nợ phải thu khó đòi giảm bên cạnh việc tái cấu trúc cũng giúp tối ưu hoá chi phí quản lý trong kỳ. Từ đó, Coteccons lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 69 tỷ đồng, gấp 3,6 lần quý II niên độ trước.

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

  Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Luỹ kế 6 tháng đầu niên độ, Coteccons ghi nhận 9.784 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 5% và lãi ròng 136 tỷ đồng, gấp gần 8,9 lần cùng kỳ niên độ trước.

Coteccons đặt kế hoạch niên độ 2023 - 2024 (từ 1/7/2023 đến 30/6/2024) với 17.793 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 274 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, doanh nghiệp đã thực hiện được 82% chỉ tiêu doanh thu và 50% mục tiêu lợi nhuận niên độ.

Trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 1.300 tỷ

Về tình hình tài chính, quy mô tài sản của Coteccons đạt 21.652 tỷ đồng cuối năm 2023. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là khoản phải thu ngắn hạn với 11.845 tỷ đồng, chủ yếu từ khách hàng. Trong đó, Coteccons đã phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 1.258 tỷ đồng, tăng 63 tỷ sau một quý.

Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Tại ngày 31/12/2023, tổng nợ xấu của Coteccons là 1.660 tỷ, trong đó phải trích lập dự phòng 1.178 tỷ.

Coteccons thuyết minh nợ xấu chủ yếu đến từ Công ty TNHH Bất động sản Ngôi sao Việt - đơn vị thành viên của Tân Hoàng Minh, Công ty TNHH Saigon Glory và CTCP Đầu tư Minh Việt. Trong đó, khoản nợ xấu 143 tỷ của Saigon Glory mới xuất hiện trong báo cáo quý này và phải trích lập dự phòng 100%. Còn khoản nợ xấu với Tân Hoàng Minh đến từ các dự án đã bàn giao từ trước năm 2020. 

Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý IV.

Saigon Glory được giới thiệu là chủ đầu Khu văn phòng - thương mại - căn hộ ở - khách sạn 6 sao tại Khu tứ giác Bến Thành (The Spirit of Saigon), gồm hai tòa tháp 46 tầng và 55 tầng, 214 căn hộ ở đã được cấp phép mở bán và 250 phòng khách sạn 6 sao. Tổng chi phí phát triển dự án khoảng 14.400 tỷ đồng.

Chủ đầu tư này đang bị kẹt về dòng tiền và gặp khó trong việc xử lý tài sản bảo đảm để thanh toán lãi và gốc cho lô trái phiếu 10.000 tỷ đồng.

Cuối năm 2023, Coteccons nắm giữ 4.398 tỷ đồng tiền, tiền gửi ngân hàng và trái phiếu. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đầu tư 222 tỷ vào cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và phải trích lập dự phòng hơn 10 tỷ. Coteccons uỷ thác cho Công ty TNHH Quản lý Quỹ Kim Việt Nam đầu tư cổ phiếu. Trong đó, danh mục được phân bổ hơn 28 tỷ vào cổ phiếu FPT và ghi nhận giá trị hợp lý gần 40 tỷ đồng tại ngày 31/12. 

Dư nợ vay cuối kỳ của Coteccons là 1.078 tỷ đồng, thay đổi không quá nhiều sau một quý.

Hoàng Kiều

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.