|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Xây dựng Hoà Bình lãi trăm tỷ quý IV nhờ hoàn nhập dự phòng

11:07 | 31/01/2024
Chia sẻ
Hoàn nhập dự phòng các các khoản phải thu khó đòi là cứu cánh giúp Xây dựng Hoà Bình có lãi quý cuối năm song luỹ kế cả năm, tập đoàn vẫn lỗ ròng gần 800 tỷ đồng.

Trong bối cảnh ngành xây dựng dân dụng chưa hồi phục, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) cho thấy doanh thu thuần giảm 32% so với cùng kỳ xuống 2.137 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp còn 53 tỷ song đã cải thiện so với mức lỗ 426 tỷ của quý IV/2022. Trong kỳ, chi phí quản lý của Xây dựng Hoà Bình ghi nhận âm 223 tỷ do doanh nghiệp đã hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi 310 tỷ đồng.

Nhờ đó, quý cuối năm 2023, Xây dựng Hoà Bình đã thoát lỗ và có lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 102 tỷ đồng.

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023.

Luỹ kế năm qua, Xây dựng Hoà Bình đạt 7.546 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 47% so với cùng kỳ và lỗ ròng 778 tỷ. Tuy nhiên mức lỗ này đã giảm so với con số lỗ kỷ lục 2.567 tỷ của năm 2022. Thua lỗ hai năm liên tiếp khiến khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính tới cuối năm 2023 âm 2.878 tỷ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, khối xây dựng của công ty mẹ ghi nhận lỗ 491 tỷ năm 2023. Riêng công ty con là CTCP Nhà Hoà Bình đã lỗ 270 tỷ cả năm.

Xây dựng Hòa Bình đặt kế hoạch tổng doanh thu 12.500 tỷ đồng trong năm 2023 và lợi nhuận sau thuế dự kiến là 125 tỷ đồng. Như vậy, tập đoàn chỉ đạt 60% chỉ tiêu doanh thu và không thể hoàn thành mục tiêu có lãi.

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các năm.

Về tình hình tài chính, quy mô tài sản tại ngày 31/12/2023 của tập đoàn là 13.055 tỷ đồng, giảm 16% so với đầu năm.

Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản vẫn là khoản phải thu ngắn hạn với 8.492 tỷ đồng, trong đó có 4.980 tỷ phải thu của khách hàng và 3.083 tỷ phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng.

Nói thêm, phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng được ghi nhận cùng lúc với doanh thu. Khoản mục này dùng để ghi nhận phần trăm công việc mà Hòa Bình đã hoàn thành và được xác minh bởi bên tư vấn thứ ba, nhưng chưa lập hóa đơn cho khách hàng.

Còn phải thu khách hàng được chuyển từ phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng đã lập hóa đơn và chuyển đến khách hàng. Theo đó, khách hàng có nghĩa vụ phải thanh toán cho Hòa Bình và bất kỳ khoản thanh toán chậm nào sẽ bị phạt.

Tính tới hết năm 2023, tập đoàn phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 2.127 tỷ đồng, giảm 378 tỷ đồng sau một quý. Phó Chủ tịch Lê Viết Hiếu từng thông tin tới cổ đông, tổng nợ tính đến ngày 17/10 bao gồm lãi chậm thanh toán còn khoảng 9.192 tỷ đồng. Các chủ đầu tư nợ nhiều nhất gồm: Novaland, Sun Group, Sunshine, Gamuda Land, Vingroup, Cocobay, Ecopark, MIKGroup, My Way Group. 

  Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng của Xây dựng Hoà Bình còn 407 tỷ đồng cuối năm 2023, giảm 26% sau một quý.

Dư nợ cuối kỳ là 4.718 tỷ đồng, giảm 8% sau một quý và gấp 10,3 lần vốn chủ sở hữu. Đây đều là các khoản vay ngân hàng, trong đó có 729 tỷ là vay dài hạn.

Điểm sáng của tập đoàn là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ghi nhận dương 1.393 tỷ đồng trong năm 2023 trong khi năm 2022 âm 883 tỷ đồng nhờ tăng thu hồi các khoản công nợ.

Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính âm 1.413 tỷ do trong năm công ty chỉ vay thêm 2.535 tỷ trong khi trả nợ gốc vay 3.948 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm 86 tỷ đồng nên lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 106 tỷ.

Hoàng Kiều

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.