|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Quầy trang điểm và gian hàng tự động: Xu hướng mới trong phân phối mĩ phẩm không người bán ở châu Á

12:03 | 02/06/2020
Chia sẻ
Giới doanh nghiệp châu Á đang dẫn đầu xu hướng sử dụng quầy trang điểm tự động, gian hàng không nhân viên và máy bán hàng để phân phối mĩ phẩm mà không cần con người.

Hàng loạt kênh phân phối thay thế ngoại tuyến khác mang đến cơ hội mới cho ngành bán lẻ sản phẩm làm đẹp phát triển, theo CB Insight.

Các điểm bán không có nhân viên ở Trung Quốc và thậm chí các quầy trang điểm với sự hỗ trợ của công nghệ có thể trở thành hình thức phân phối mới đối với các sản phẩm chăm sóc cá nhân.

Một số startup ở Trung Quốc, với sự hỗ trợ vốn của các quĩ đầu tư mạo hiểm, như Bingobox và F5 Future Store, đã triển khai các cửa hàng mĩ phẩm tự động. Trong khi đó, 17Beauty, một công ty ở Bắc Kinh, đã triển khai nhiều "quầy trang điểm tự động" ở Bắc Kinh, Quảng Châu, Hàng Châu, Vũ Hán và Thượng Hải.

Quầy trang điểm và gian hàng không người bán: Xu hướng mới trong phân phối mĩ phẩm - Ảnh 1.

Một quầy trang điểm tự động của công ty 17Beauty ở thành phố Thượng Hải. Ảnh: China Daily

Những quầy trang điểm theo phong cách "tự phục vụ" như thế thường xuất hiện ở những nơi có lượt người qua lại cao - như siêu thị, văn phòng, đầu mối giao thông. Chúng cho phép phụ nữ (và thậm chí đàn ông) trang điểm hoặc chỉnh sửa dung nhan trong quá trình di chuyển.

Người sử dụng quét một mã QR để bước vào quầy, nơi họ sẽ đứng trước một máy nhận diện khuôn mặt. Máy sẽ quan sát khuôn mặt người sử dụng rồi đưa ra gợi ý trang điểm đối với từng cá nhân.

Khi một khách hàng bước vào buồng màu hồng và quét mã QR trên bức vách, cánh cửa kính trong suốt phía sau họ trở nên mờ và ô kính phía trước gương mở ra, để lộ bộ sản phẩm trang điểm. 

Bộ sản phẩm trang điểm bao gồm sản phẩm của hàng loạt thương hiệu - từ Nars tới Dior - với tổng giá trị khoảng 4.000 tệ (600 USD). Người trang điểm trả 28 tệ cho 15 phút trong buồng, hay 58 tệ cho 45 phút nếu họ muốn trang điểm lâu hơn.

Đương nhiên, khách hàng có thể lấy những sản phẩm vệ sinh dùng một lần nếu họ muốn bảo đảm rằng mọi thứ sạch sẽ trước khi họ trang điểm.

Bác sĩ Steven Loo King-fan, một chuyên gia thuộc khoa Da liễu của Bệnh viện Gleneagles Hong Kong, khẳng định buồng trang điểm chung là ý tưởng sáng tạo. Theo ông, chúng sạch sẽ hơn nhiều so với nhà vệ sinh công cộng - nơi nhiều phụ nữ vào đó để trang điểm. 

Tuy  nhiên, Steven cũng cảnh báo những nguy cơ về sức khỏe của hành vi dùng chung mỹ phẩm với người khác.

"Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) là dạng viêm da phổ biến nhất. Khi một người mang vi khuẩn Staphylococcus aureus dùng cọ trang điểm, vi khuẩn sẽ truyền sang cọ và tiếp tục sinh sôi. Giải pháp an toàn nhất là mang theo những sản phẩm của bạn để dùng trong buồng trang điểm ở nơi công cộng", Steven nói.

Quầy trang điểm và gian hàng tự động: Xu hướng mới trong phân phối mĩ phẩm không người bán ở châu Á - Ảnh 2.

Một máy bán hàng tự động của công ty Vengo. Ảnh: WD

Mặc dù máy bán hàng tự động đã xuất hiện ở nhiều nước châu Á, giờ đây nhiều doanh nghiệp mĩ phẩm phương Tây đang dùng chúng để bán mĩ phẩm. 

Chẳng hạn, Vengo - nhà sản xuất những máy bán hàng tự động có màn hình cảm ứng và chức năng thanh toán điện tử, đang liên kết với nhiều thương hiệu mĩ phẩm để phân phối mĩ phẩm cao cấp.  

Arcade Beauty, nhà sản xuất mẫu mĩ phẩm lớn nhất thế giới, đã đầu tư 7 triệu USD cho Vengo hồi tháng 1/2019 để mở rộng phạm vi sử dụng máy bán mĩ phẩm của công ty.

Nhạc Phong