Quán nhậu lo không trụ nổi vì dịch Covid-19 và Nghị định 100
10h sáng ngày 18/2, trước mắt ông Hoàng Văn Thịnh là khung cảnh ảm đạm chưa từng có tại quán nhậu lớn nhất nhì quận Cầu Giấy trên phố Trần Thái Tông. Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, quán đóng cửa im lìm, bàn ghế dính đầy bụi, lá cây phủ lên bề mặt.
Ông Thịnh là bảo vệ duy nhất duy trì quán, còn toàn bộ nhân viên được cho nghỉ. “Nghe thông báo khi nào hết dịch quán mới mở cửa trở lại, một mình tôi lủi thủi trông coi từ trước Tết đến nay thôi”, ông nói.
“Chật vật” tìm cách giữ chân khách
Treo biển nghỉ bán hàng từ ngày 28 Tết (tức ngày 22/1) và thông báo mở cửa lại ngày mùng 10 tháng Giêng (tức ngày 3/2), nhưng đến nay đã gần nửa tháng, quán nhậu này vẫn chưa thấy dấu hiệu mở cửa.
Nguyên nhân đóng cửa là do lượng khách giảm mạnh. Từ trước Tết, khách giảm do Nghị định 100, tăng mức xử phạt về quá nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Sau Tết, khách giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch virus corona.
Hiện tại, nhiều quán nhậu chọn cách đóng cửa chờ hết dịch, cho nhân viên nghỉ ở nhà. Nhân thời gian này, nhiều quán nâng cấp, sửa chữa. Một số quán nhậu khác tìm cách hoạt động cầm chừng "giữ mối" khách chờ hết mùa dịch bệnh.
Theo ghi nhận của Zing.vn, ở một số con phố tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn như Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt, Trần Thái Tông ... không còn cảnh ồn ào, tiếng cụng ly tới tấp như trước đây. Thay vào đó là hình ảnh nhân viên đeo khẩu trang ngồi nói chuyện "giết" thời gian.
Anh Hoàng Minh, chủ một quán nhậu trên đường Nguyên Hồng cho biết sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, quán anh đã giảm 20-30% lượng khách. Sau đó, từ khi bùng phát dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh xuống dốc hẳn.
“Nhìn quán lúc 7h tối mà chỉ có 2 bàn nhậu là đủ hiểu rồi. Mong dịch hết nhanh chứ dân kinh doanh chúng tôi khó trụ nổi với tình hình này”, chủ quán ngán ngẩm.
Trước tình thế đó, quán anh đã có cách ứng phó với tình thế rất linh hoạt như chú trọng hơn việc vệ sinh quán thường xuyên, miễn phí đưa khách về nhà, khuyến mãi đồ uống, tặng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn cho khách khi đến quán nhậu.
Tại một quán bar trên đường Yên Phụ, để kéo lượng khách đông như trước, quán đã đưa ra nội quy làm việc mới từ đầu tháng. Nhân viên ở đây đều phải mang khẩu trang y tế. Tất cả các ly, cốc, chai được khử trùng sạch sẽ, trước cổng ra vào cũng trang bị máy đo thân nhiệt và dung dịch rửa tay sát khuẩn cho khách yên tâm.
Không chỉ quán nhậu, quán bar, pub mà các nhà hàng ăn uống cũng tìm cách đối phó với tình hình dịch bệnh để đảm bảo lượng khách. Ngay từ khi có dịch, một hệ thống nhà hàng lẩu lớn trên đường Tố Hữu (Hà Đông, Hà Nội) đã trang bị nước rửa tay cho khách, còn nhân viên cũng phải đeo khẩu trang để phục vụ, thậm chí đo thân nhiệt mỗi ngày.
Chị Hoàng Dung, quản lý nhà hàng này cho biết: “Tâm lý của khách hàng đều muốn tìm đến không gian ăn uống thoáng đãng, sạch sẽ nên hệ thống nhà hàng đã nhanh chóng đưa ra quy định như toàn bộ công cụ, dụng cụ đều được khử trùng ở nhiệt độ cao nhất và sát khuẩn, tay nắm cửa ra vào được khử trùng 60 phút/lần, thùng rác được khử trùng bằng cloramin B cuối mỗi ngày…”
“Thời điểm này, trong việc lựa chọn địa điểm ăn uống tôi cũng rất đau đầu, phải làm sao chọn được nơi đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn như thế mới yên tâm cho cả nhà ăn được”, chị Nguyễn Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Đặt hàng về nhậu tại nhà
Bên cạnh tìm ra nhiều cách để đối phó với tình hình dịch bệnh, cửa hàng này còn đẩy mạnh hướng kinh doanh online đặt lẩu nướng về tận nhà. “Mới triển khai gần đây mà dịch vụ này đã thu hút khá nhiều lượng đặt”, quản lý nhà hàng tâm sự.
Trước đây chồng chị T. Thảo (Thanh Xuân, Hà Nội) ngày nào cũng ra ngoài nhậu nhẹt, hai mẹ con đi ăn ngoài, gia đình ít khi có bữa ăn chung. Nhưng, từ khi Nghị định 100 ban hành và có dịch cúm ncoV, gia đình chị đã thay đổi hẳn.
“Ngày nào không gọi giao hàng về ăn thì tôi cũng nấu cơm phục vụ chồng, con”, người phụ nữ hơn 30 tuổi nở nụ cười hạnh phúc nói.
Xu hướng mua hàng thay đổi, nhiều cửa hàng ăn uống trước đây không có dịch vụ giao hàng nay cũng chuyển mình để không bị khách hàng “bỏ rơi”. Hiện, nhiều quán ăn cũng đẩy mạnh khâu giao hàng tận nhà bằng nhiều ưu đãi, vì để tránh bị lây nhiễm virus corona nhiều người chọn cách mua hàng thông minh này hơn.
Chủ quán ốc trên đường Quan Nhân cho biết trước đây quán đông khách không nhận giao hàng nhưng hiện quán cũng mở dịch vụ giao hàng để chiều khách trong mùa dịch.
“Trước khách đến thường ăn nhậu ngồi lai rai, nhưng nay vừa sợ phạt vừa sợ dịch nên chỉ ăn là ra về, phần lớn họ ngại tụ tập nơi đông người”, chủ quán nói thêm.
Càng khó khăn, nhà hàng, quán nhậu càng nghĩ ra nhiều cách để chiều lòng các “thượng đế” của mình hơn, để đến khi mùa dịch đi qua, lượng khách vẫn không giảm đi nhiều.