|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dịch vụ chở người say về nhà phát triển ở Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore

15:11 | 06/01/2020
Chia sẻ
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chở khách say về nhà đã xuất hiện từ hàng chục năm trước tại các quốc gia thuộc khu vực châu Á như Thái Lan, Singapore hay Hàn Quốc.

Theo Nghị định số 100/2019 áp dụng từ ngày 1/1, khi lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt nặng.

Mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000 tới 600.000 đồng.

Trước tình trạng ấy, nhiều quán bia, nhà hàng đã triển khai dịch vụ đưa khách say về nhà. Ngoài ra, nhiều nhà cung cấp dịch vụ đưa người say về nhà cũng đã xuất hiện. 

Mặc dù đây có thể là dịch vụ mới mẻ ở Việt Nam, nó đã tồn tại từ lâu ở nhiều nước châu Á.

Thái Lan

Tháng 12/2019, Grab tại Thái Lan đã bắt đầu đưa dịch vụ GrabDriveMyCar. Đây là một dịch vụ giúp khách hàng say rượu có thể yêu cầu tài xế Grab lái xe của mình trở về nhà. 

Không giống với những dịch vụ di chuyển khác của Grab, như GrabBike hay GrabCar, GrabDriveMyCar tỏ ra ưu việt hơn ở chỗ khách hàng không cần phải quay trở lại địa điểm mà họ ăn, uống để lấy lại xe.

Tài xế ứng tuyển dịch vụ GrabDriveMyCar sẽ được đào tạo kĩ càng và bài bản hơn rất nhiều so với các dịch vụ khác. Đối tác tài xế cần phải nắm cách điều khiển nhiều dòng xe khác nhau để đảm bảo an toàn cho bản thân và khách hàng.

Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore đều phát triển dịch vụ chở khách say về nhà - Ảnh 1.

Grab triển khai GrabDriveMyCar tại Thái Lan từ tháng 12/2019. Ảnh: TheSmartLocal.

Giá mở cửa cho dịch vụ GrabDriveMyCar sẽ là 350 baht (11,6 USD). Cứ mỗi 5 km giá sẽ tăng thêm 100 baht. 

Hiện tại, Grab mới triển khai dịch vụ GrabDriveMyCar tại Thái Lan. Tuy nhiên, trong tương lai có thể dịch vụ sẽ xuất hiện ở các thị trường khác. 

Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, dịch vụ lái xe đưa người say về nhà đã xuất hiện từ khoảng 20 năm về trước. Những tài xế cứu hộ người say được gọi là "daeri unjeon" trong tiếng Hàn. 

Những "daeri unjeon" làm việc cho các công ty chuyên kinh doanh dịch vụ đưa rước người say. Nhiều công ty thậm chí đã phát triển ứng dụng di động để có thể kết nối những người lái xe cứu hộ với khách hàng say xỉn.

Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore đều phát triển dịch vụ chở khách say về nhà - Ảnh 2.

Nghề "daeri unjeon" đã xuất hiện ở Hàn Quốc từ hơn 20 năm về trước. Ảnh: Korean Expose.

Tương tự dịch vụ GrabDriveMyCar, tài xế sẽ lái xe của khách hàng chở khách về nhà, sau đó tiếp tục chờ những cuốc xe tiếp theo. 

Bảng giá có khác nhau với từng công ty cung cấp dịch vụ, nhưng nhìn chung để thuê một "daeri unjeon" sẽ đắt hơn với gọi taxi thông thường. Bù lại, khách hàng không cần quay lại lấy xe cũng như tốn thêm chi phí gửi xe.

Thậm chí nhiều công ty còn cử tài xế theo cặp, một người lái xe máy chở tài xế và một người lái xe của khách về nhà. Cách bố trí như thế giúp tăng hiệu suất công việc với một lượng khách đủ lớn.

Theo chia sẻ của một "daeri unjeon", thông thường tối thứ sáu là khoảng thời gian bận rộn khi có nhiều yêu cầu hơn thường lệ. Ngoài ra, 90% số trường hợp khách hàng của anh đến từ những khách hàng say xỉn. Phần còn lại là những khách không đủ sức khỏe hoặc tự tin để cầm lái.

Singapore

Giống như các thị trường Hàn Quốc và Thái Lan, những dịp lễ tết hay thậm chí là những ngày bình thường, việc một người rời bàn tiệc trong tình trạng say xỉn hoặc không đủ điều kiện lái xe là hiện tượng bình thường.

Chính vì thực tế này, dịch vụ đưa khách về nhà bằng xe của khách đã xuất hiện ở Singapore từ nhiều năm về trước. Nhiều công ty đã phát triển ứng dụng di động và hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ gần giống với Grab hay Uber.

Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore đều phát triển dịch vụ chở khách say về nhà - Ảnh 3.

Jocky là nền tảng kết nối khách hàng say xỉn với hệ thống các đối tác đa dạng từ cá nhân cho tới công ty cung cấp tài xế. Ảnh: Jocky

Một trong những startup phổ biến hàng đầu tại Singapore mạnh trong hoạt động đưa người say về nhà là Jocky. Hiểu rõ việc khi khách hàng không thật sự tỉnh táo, việc nhận thức không gian sẽ không tốt, Jocky tập trung vào tính năng định vị.

Ngoài ra, các đối tác tài xế của Jocky ngoài là những cá nhân còn có thể là những công ty cung cấp tài xế khác. Nền tảng Jocky cho phép khách hàng tiếp cận đa dạng các đối tác khác nhau phù hợp với nhu cầu.

Hiện tại, mức giá mở cửa xe của Jocky đang là 28,1 USD. Cứ mỗi điểm dừng sẽ thu phí bổ sung 7,4 USD, trong khi cứ nửa giờ xe chờ có giá bổ sung 14,8 USD.


Tiểu Phượng

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.