|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Quan chức duy nhất phản đối Fed hạ lãi suất 50 bps giải thích lý do

07:38 | 25/09/2024
Chia sẻ
Thống đốc Michelle Bowman là thành viên duy nhất trong cơ quan hoạch định chính sách của Fed ủng hộ mức giảm lãi suất 25 bps.

Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Michelle Bowman. (Ảnh: Bloomberg).

Hôm 24/9, Thống đốc Fed Michelle Bowman cho biết bà nghĩ rằng các đồng nghiệp nên thận trọng hơn với mức giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (bps) vào tuần trước vì bà lo ngại lạm phát có thể bùng phát trở lại.

Bà Bowman là người duy nhất không tán thành việc giảm lãi suất 50 bps của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC). Không có thống đốc Fed nào phản đối quyết định về lãi suất kể từ năm 2005.

Giải thích lý do của mình, bà Bowman cho biết việc giảm 50 bps gây ra một số rủi ro cho mục tiêu kép của Fed là duy trì lạm phát ở mức thấp và giúp nền kinh tế đạt trạng thái toàn dụng lao động.

Việc giảm lãi suất mạnh tay “có thể được hiểu là tuyên bố chiến thắng sớm với nhiệm vụ ổn định giá cả. Đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% là cần thiết để thúc đẩy thị trường việc làm và nền kinh tế trong dài hạn”, bà nói.

Lạm phát tính theo thước đo ưa thích của Fed đang ở mức 2,5%, cao hơn mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương Mỹ. Không tính giá thực phẩm và năng lượng, lạm phát lõi ở mức 2,6%.

Mặc dù bà Bowman ủng hộ Fed điều chỉnh chính sách tiền tệ, vị thống đốc ưu tiên mức giảm 25 bps, con số phù hợp với các động thái truyền thống của ngân hàng trung ương hơn.

Lần gần nhất FOMC giảm 50 bps là vào đầu đại dịch COVID-19 và trước đó là trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, CNBC thông tin.

Tại một sự kiện ngân hàng ở Kentucky, bà Bowman đã đề cập đến một số lo ngại cụ thể. Vị thống đốc băn khoăn rằng mức giảm 50 bps có thể khiến công chúng nghĩ các quan chức Fed nhìn thấy “rủi ro suy yếu lớn hơn đối với nền kinh tế”.

Bà cũng lo lắng rằng thị trường sẽ kỳ vọng một loạt các đợt giảm lãi suất mạnh tay, rằng một lượng lớn tiền mặt có thể chảy vào nền kinh tế khi lãi suất đi xuống và thúc đẩy lạm phát.

Cảm nhận chung của bà Bowman là lãi suất không cần giảm mạnh như các nhà hoạch định chính sách đồng nghiệp mong muốn.

 

“Dựa trên những cân nhắc này, tôi tin rằng bằng mức giảm vừa phải hơn để hướng tới lập trường chính sách trung lập hơn, chúng ta sẽ có vị thế tốt hơn để tiếp tục đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2%, đồng thời theo dõi chặt chẽ những diễn biến của thị trường lao động”, bà nhấn mạnh.

Trong các tuyên bố gần đây, giới chức Fed cho biết lạm phát hạ nhiệt và thị trường lao động yếu đi là lý do khiến họ giảm 50 bps.

Tại cuộc họp giữa tuần trước, các quan chức kỳ vọng lãi suất sẽ giảm thêm 50 bps trong giai đoạn cuối năm nay và thêm 100 bps trong năm tiếp theo. Trong khi đó, thị trường lại lạc quan hơn khi dự đoán Fed sẽ giảm 200 bps trong năm tới.

Sau động thái giảm lãi suất mới nhất, chi phí đi vay liên ngân hàng tại Mỹ đang nằm trong phạm vi 4,75 - 5%. Ngoài ảnh hưởng đến chi phí đi vay ngắn hạn của các ngân hàng, lãi suất chuẩn cũng tác động đến nhiều sản phẩm tiêu dùng khác khác như cho vay mua nhà, mua ô tô và thẻ tín dụng.

Thống đốc Michelle Bowman cho biết bà tôn trọng quyết định của FOMC và nhấn mạnh rằng chính sách tiền tệ không theo một lộ trình cố định và sẽ phụ thuộc vào dữ liệu. Bà lưu ý dữ liệu cho thấy thị trường lao động đã yếu đi một chút nhưng vẫn vững mạnh.

“Tôi tiếp tục nhìn thấy rủi ro lớn hơn đối với mục tiêu ổn định giá cả, đặc biệt là khi thị trường việc làm vẫn đang ở gần mức ước tính về trạng thái toàn dụng lao động”, bà nói.

Yên Khê