Qatar đối mặt với những rủi ro kinh tế
Qatar đối mặt với những rủi ro kinh tế. Ảnh: Reuters |
Những quốc gia thực hiện lệnh phong tỏa đối với Qatar liên quan đến cuộc khủng hoảng ngoại giao bao gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập, Libya, Yemen và một vài quốc gia khác.
Những rạn nứt chính trị đã gây ra nhiều bất chắc và có thể tác động đến các hoạt động thương mại, du lịch cũng như dòng chảy của các luồng vốn, nhân tố có thể làm đình trệ các dự án hạ tầng mà Qatar đang triển khai để đăng cai Giải Vô địch Bóng đá Thế giới 2022 (World Cup 2022).
Với cuộc khủng hoảng tiếp tục kéo dài, giới phân tích lo ngại rằng việc các nước láng giềng vùng Vịnh cô lập nền kinh tế Qatar trong thời gian dài có thể khiến nền kinh tế của quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này phải đối mặt với sự suy giảm đáng kể về tăng trưởng.
Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), có trụ sở tại Washington (Mỹ), nếu cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh tiếp diễn trong một thời gian dài và mối quan hệ giữa Qatar với các nước Arab tiếp tục xấu đi, tăng trưởng Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của Qatar có thể giảm 1,2% trong năm 2017 và 2% năm 2018, chủ yếu do đà tăng trưởng thấp hơn của khu vực phi dầu mỏ.
Các nhân tố như sự bất chắc ngày càng tăng trong lĩnh vực đầu tư, môi trường tài chính khó khăn hơn... sẽ tác động tiêu cực đến đà tăng trưởng kinh tế của Qatar. Bên cạnh đó, tình trạng "rút ồ ạt" tiền gửi trong các ngân hàng cũng có thể làm gia tăng chi phi đi vay.
Việc chấm dứt các mối quan hệ tài chính cũng như mối lo ngại ngày càng gia tăng của các bên đối tác có thể cản trở các hoạt động kinh doanh và tài chính thương mại.
Chuyên gia phân tích Boban Markovic, thuộc IIF, nhận xét: "Trong viễn cảnh đó, doanh thu từ các khu vực phi dầu mỏ thấp hơn mong đợi có thể khiến thâm hụt ngân sách của Qatar tăng lên 7,8% GDP trong năm nay.
Thâm hụt tài khoản vãng lai có thể vẫn vào khoảng 2% GDP, giữa lúc nguồn thu từ các dịch vụ du lịch và vận tải giảm mạnh do các lệnh cấm đi lại và phong tỏa giao thông đường không của các nước láng giềng".
Trong khi hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor (S&P) đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Qatar từ AA xuống AA- và thay đổi triển vọng của một số doanh nghiệp hàng đầu ở nước này theo hướng tiêu cực, các hãng đánh giá tín nhiệm khác cũng cảnh báo về khả năng đưa ra động thái tương tự.
Nhà phân tích Benjamin Young của S&P đánh giá: "Chúng tôi tin rằng điều này sẽ làm trầm trọng thêm sự dễ bị tổn thương từ bên ngoài của Qatar và có thể gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế cũng như các thước đo tài chính của nước này".
Bên cạnh đó, S&P cũng đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Ngân hàng Quốc gia Qatar (QNB) từ A+ xuống A, đồng thời đưa ra triển vọng tiêu cực đối với Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Doha và Ngân hàng Hồi giáo Qatar.
Chuyên gia phân tích của S&P Mohammad Damak chia sẻ: "Chúng tôi tin rằng những diễn biến gần đây có thể dẫn đến tình trạng 'thoái vốn' của các nhà đầu tư nước ngoài khỏi Qatar trong vài tháng tới nếu tình hình không được giải quyết".
Các hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu như Moody’s và Fitch đã bày tỏ quan ngại về tình hình chính trị mà Qatar đang phải đối mặt, trong khi giới phân tích cũng cảnh báo về khả năng các hãng tiếp tục hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Qatar.
Do phụ thuộc chủ yếu vào hàng hóa nhập khẩu, nhất là thực phẩm, Qatar đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi các lệnh trừng phạt về ngoại giao và kinh tế.
Phó Chủ tịch Moody’s, ông Steffen Dyck đánh giá: "Mặc dù chúng tôi cho rằng không có sự gián đoạn về khả năng xuất khẩu dầu khí của Qatar thông qua các tuyến đường biển, nhưng hàng hóa nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn và lượng khách du lịch từ khu vực chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Nếu tình hình không được cải thiện, nó sẽ gây ra những hệ lụy như chi phí đi vay cao hơn, suy giảm dự trữ ngoại tệ...".
Nếu căng thẳng ngoại giao vẫn tiếp diễn trong một thời gian dài, sự phụ thuộc quá mức của các ngân hàng Qatar vào nguồn tiền gửi nước ngoài có thể tạo những thách thức về thanh khoản đối với nhiều ngân hàng ở nước này.
Nợ nước ngoài của Qatar đã tăng mạnh trong vài năm trở lại đây, lên khoảng 125 tỷ USD vào cuối tháng 4/2017, trong đó phần đáng kể là từ châu Âu và châu Á. Trong cùng kỳ, nợ nước ngoài (ròng) của các ngân hàng Qatar đã vào khoảng 50 tỷ USD.
Tỷ lệ lãi suất ngày càng gia tăng trên toàn cầu cùng với tác động của cuộc khủng hoảng ngoại giao với các nước láng giềng có thể làm tăng khó khăn về thanh khoản cho các ngân hàng Qatar.
Để thích ứng với tình hình hiện nay, Ngân hàng Trung ương Qatar đã tăng lãi suất tiền gửi 0,25%, lên 1,5%, ngay sau động thái tương tự của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Nếu cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay vẫn không sớm được giải quyết, các nhân tố như môi trường kinh doanh ảm đạm, sự mất lòng tin của giới kinh doanh tư nhân trong khu vực phi dầu mỏ cũng như những rủi ro từ bên ngoài đối với các ngân hàng Qatar, có thể làm gia tăng tình trạng nợ xấu.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/