|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

PwC: Hoạt động M&A toàn cầu đạt kỷ lục trong năm 2021 và tiếp tục sôi động trong năm 2022

08:13 | 28/02/2022
Chia sẻ
Sau năm 2021 với kỷ lục về cả số lượng và quy mô hoạt động M&A, sự lạc quan cho năm 2022 vẫn duy trì bất chấp những thách thức vĩ mô.

2021: Năm kỷ lục của hoạt động M&A

Hoạt động thâu tóm và sáp nhập (M&A) trên toàn cầu đạt được cột mốc mới trong năm 2021. Số lượng thương vụ M&A được công bố vượt ngưỡng 62.000 trên phạm vi toàn cầu trong năm 2021, tăng 24% so với năm 2020.

Hoạt động thâu tóm, sáp nhập (M&A) toàn cầu đạt kỷ lục trong năm 2021 - Ảnh 1.

Grab là công ty có màn IPO thông qua sáp nhập với SPAC nổi bật nhất năm 2021. (Ảnh: Grab).

Cùng thời điểm, tổng giá trị của các thương vụ công khai cũng đạt mốc cao nhất trong lịch sử lên tới 5,1 nghìn tỷ USD, bao gồm 130 siêu thương vụ với giá trị từ 5 tỷ USD trở lên. Con số này cao hơn tổng giá trị ghi nhận trong năm 2020 tới 57%, đồng thời phá vỡ kỷ lục trước đó của năm 2007 (4,2 nghìn tỷ USD).

Theo PwC, hoạt động M&A tăng mạnh trong năm 2021 vì nhu cầu liên quan đến công nghệ hay các tài sản dữ liệu, kỹ thuật số cao. Bên cạnh đó, nhu cầu M&A cũng chịu nhiều sự dồn nén từ năm 2020. 

Theo thống kê, gần 40% thương vụ trong năm 2021 có sự tham gia của các quỹ PE, tăng từ chỉ khoảng 25% trong 5 năm qua. Các quỹ PE không chỉ thực hiện nhiều thương vụ hơn mà còn tăng cả về quy mô với tỷ trọng 45%, so với tỷ trọng 30% của giai đoạn 5 năm trước.

Đối với nhóm doanh nghiệp, xu hướng chuyển dịch sang các mô hình kinh doanh công nghệ, sáng tạo và đột phá sẽ tiếp tục là động lực cho hoạt động M&A.

Mức cao kỷ lục cả về số lượng và quy mô của hoạt động M&A trong năm 2021 được thể hiện rõ nét ở cả 3 khu vực phản ánh kinh tế thế giới đang hồi phục.

Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi (EMEA) ghi nhận tăng trưởng số lượng thương vụ cao nhất so với cùng kỳ năm 2020 với mức tăng 34%, theo sau là Châu Mỹ với 22% và Châu Á Thái Bình Dương  với 17%.

Mặc dù số lượng thương vụ trong năm 2021 gần như tương đương ở cả 3 khu vực, giá trị thường vụ dồn mạnh hơn với Châu Mỹ với tỷ trọng 50% giá trị thương vị và 60% giá trị các siêu thương vụ.

Hoạt động thâu tóm, sáp nhập (M&A) toàn cầu đạt kỷ lục trong năm 2021 - Ảnh 2.

Xu hướng hoạt động M&A trên toàn cầu từ quý I/2019 đến quý IV/2021. (Nguồn: Refinitiv, Dealogic, PwC, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Tiếp tục sôi động trong năm 2022

PwC nhận định hoạt động M&A trong năm 2022 sẽ khó phá được kỷ lục trong năm 2021, tuy nhiên có nhiều dấu hiệu cho thấy năm nay cũng là một năm sôi động đối với hoạt động này.

Tâm lý lạc quan về kinh tế vẫn duy trì, năng lực vốn cao, nhiều thương vụ trong tầm ngắm và các công ty ở mọi ngành đều đang cần công nghệ. Dù vậy, không thể phủ nhận cả những chướng ngại trước mắt, trong đó có thể kể đến lãi suất tăng, lạm phát cao hơn cùng với đó là thuế tăng và các hàng rào quản lý được áp dụng. Đây là các yếu tố có thể làm chậm lại nhiều thương vụ.

Theo khảo sát CEO toàn cầu thường niên của PwC được xuất bản tháng 1/2022, 77% CEO tham gia khảo sát kỳ vọng kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng tích cực trong năm nay. Bên cạnh đó, hơn một nửa CEO tự tin cao về tăng trưởng doanh thu trong công ty của mình trong 12 tháng tới. Trong đó, ở lĩnh vực vốn đầu tư tư nhân và công nghệ, lần lượt 67% và 64% CEO tin vào điều này. Đáng chú ý, đây là 2 lĩnh vực có hoạt động M&A sôi động và giá trị cao nhất năm 2021.

PwC cho rằng các yếu tố dẫn tới năm 2021 với hoạt động M&A kỷ lục vẫn sẽ có tác động trong năm 2022. Do cạnh tranh mạnh giữa các doanh nghiệp, quỹ đầu tư tư nhân (PE) hay công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC), định giá của các thương vụ sẽ vẫn duy trì ở mức cao.

Các thương vụ tập trung vào mảng công nghệ sẽ tiếp tục là xu hướng chính trong năm 2022 khi các công ty tìm kiếm nâng cao năng lực công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh. 

Theo tính toán của PwC, có khoảng gần 500 các công ty SPAC hiện chưa công bố đối tác sáp nhập sẽ cần thực hiện sáp nhập vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023. Với lý do này, SPAC chắc chắn sẽ đóng vai trò tích cực trong M&A năm 2022.

Hoạt động thâu tóm, sáp nhập (M&A) toàn cầu đạt kỷ lục trong năm 2021 - Ảnh 3.

SPAC thúc đẩy hoạt động M&A. (Nguồn: S&P Capital IQ, PwC, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Bên cạnh SPAC, các quỹ đầu tư tư nhân cũng sẽ tiếp tục có ảnh hưởng đến M&A trên thế giới. PwC dự đoán các quỹ đầu tư tư nhân sẽ có nhiều chiến lược đầu tư khác nhau trong năm nay, có thể kể đến: đầu tư vào các thương vụ lớn, phức tạp, đầu tư vào các tài sản thay thế (ví dụ như bảo hiểm, quản lý tài sản), đầu tư vào các công ty công nghệ và phân tích dữ liệu, cùng với đó là các chiến lược đầu tư dài hơi hơn.

Nhìn chung PwC lạc quan với triển vọng của năm 2022 khi số lượng và quy mô thương vụ tiếp tục thể hiện một thị trường năng động và vốn dồi dào.

Ở một mặt, với áp lực đổi mới công nghệ ở tất cả các ngành, cạnh tranh trong tìm kiếm các mục tiêu sáp nhập sẽ tiếp tục khắc nghiệp. Các công ty cũng tìm kiếm cơ hội để duy trì lợi thế cạnh tranh và tái đầu tư bằng cách thoái vốn ở các hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, các yếu tố như buến động thị trường tài chính hay các yếu tố vĩ mô khác cũng đòi hỏi sự chú ý cao.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nam Khánh