|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Năm bùng nổ các thương vụ M&A của Big Tech

14:00 | 01/02/2022
Chia sẻ
Các Big Tech như Microsoft, Amazon hay Alphabet dường như sẵn sàng triển khai nguồn lực để vượt mặt sự răn đe của các cơ quan chức năng, thực hiện hàng chục thương vụ M&A giá trị lớn.

7 tháng kể từ khi Lina Khan nhậm chức Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), đã có một cuộc chiến tranh lạnh bùng nổ giữa một số công ty công nghệ lớn nhất và các cơ quan quản lý. Câu hỏi đặt ra cho năm 2022 là liệu nó có trở nên nóng bỏng hay không, theo CNBC.

Theo dữ liệu của Dealogic, Microsoft, Amazon và Alphabet đã có năm 2021 đạt kỷ lục về số thương vụ thâu tóm trong thập kỷ vừa qua. Tốc độ giao dịch đó báo hiệu rằng họ đang cố gắng vượt qua những quy định được thắt chặt bởi các cơ quan quản lý.

Bà Khan đã không ngần ngại đề xuất cơ quan của mình tích cực thực thi chính sách chống độc quyền. Ngược lại, bà cũng bị cả Facebook và Amazon chỉ trích rằng các bài viết và tuyên bố trước đây về việc Amazon lạm dụng quyền lực là không thích hợp để đánh giá một cách công bằng các vấn đề liên quan đến gã khổng lồ này.

Một năm bùng nổ các thương vụ M&A của Microsoft, Amazon, Alphabet - Ảnh 1.

Thương vụ Microsoft mua lại Activision Blizzard đã gây xôn xao giới công nghệ trong thời gian gần đây. (Ảnh: The Guardian).

Thỏa thuận trị giá 69 tỷ USD của Microsoft đối với nhà sản xuất trò chơi điện tử Activision Blizzard trong tuần này là ví dụ mới nhất về một công ty công nghệ lớn có khả năng thách thức các nhà quản lý. 

Thương vụ này diễn ra sau một số thỏa thuận lớn từ năm 2021, bao gồm việc mua lại Nuance Communications trị giá 19 tỷ USD của Microsoft và thỏa thuận 8,5 tỷ USD của Amazon đối với MGM Studios.

Theo Dealogic, 22 giao dịch của Alphabet, 56 giao dịch của Microsoft và 29 giao dịch của Amazon vào năm 2021 đều là mức cao nhất trong 10 năm. Dữ liệu từ Dealogic chỉ tính đến giá trị giao dịch được tiết lộ công khai, dựa trên những hồ sơ đó, tổng khối lượng giao dịch của Alphabet và Microsoft cũng ở mức cao nhất trong 10 năm, lần lượt là 22 tỷ USD và 25,7 tỷ USD. 

Trong khi đó, tổng khối lượng giao dịch của Amazon ở mức 15,7 tỷ USD, gần đạt mức cao nhất trong 10 năm, chỉ sau năm 2017, thời điểm họ đồng ý mua Whole Foods với giá 13,7 tỷ USD.

Ông Erik Gordon, giáo sư tại Trường Kinh doanh Ross thuộc Đại học Michigan, cho biết Big Tech đang chú ý rất nhiều và muốn hoàn thành các giao dịch trước khi có những luật lệ mới được ban hành.

Cho đến nay, FTC dưới sự điều hành của bà Khan đang dựa vào chiến lược răn đe để kiểm soát hoạt động mua bán sáp nhập các công ty. Điều đáng quan tâm hiện nay là cơ quan này sẽ đi bao xa để xử lý các hành động vi phạm luật chống độc quyền.

Một trong những hành động được đưa ra là FTC sẽ gửi thư đến một số công ty đang tìm cách hợp nhất, cho họ biết FTC sẽ tiếp tục điều tra các giao dịch ngay cả khi thời gian chờ đợi theo luật đã trôi qua. Bức thư về cơ bản cảnh báo rằng các doanh nghiệp có thể tự chịu rủi ro khi hợp nhất, nhưng FTC sau đó có thể đệ đơn kiện để họ hoàn tác giao dịch của mình.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, bà Khan nói rằng việc chiến đấu với Big Tech "cần có sự can đảm", mặc dù bà đã ngừng đề xuất công ty quản lý của mình sẽ chặn bất kỳ thỏa thuận hiện có nào.

"Họ là những công ty có nguồn lực khổng lồ. Họ không ngại triển khai các nguồn lực đó. Dù vậy, chúng tôi đang có những hành động cứng rắn để cho những công ty này thấy rằng các cơ quan sẽ không lùi bước kể cả khi bị họ đe dọa", bà chia sẻ.

Các công ty công nghệ lớn thường có hàng chục luật sư đầu ngành để đưa ra lời khuyên về cơ hội chấp thuận giao dịch. Microsoft, Amazon, Meta, Alphabet và Apple có thể là 5 ví dụ tiêu biểu nhất. Tổng giá trị thị trường của họ lên tới 9.500 tỷ USD.

Nhìn bề ngoài, việc Amazon mua một xưởng phim (MGM) hay Microsoft mua lại một công ty trò chơi (Activision) không nói lên quá nhiều điều về vấn đề chống độc quyền. Đây không phải là những giao dịch mà các Big Tech có quá nhiều đối thủ cạnh tranh. Điều này đặt bà Khan vào tình thế phải chứng minh được những Big Tech có hành vi vi phạm luật chống độc quyền.

Trong khi đó, Quốc hội Mỹ đang nghiên cứu các luật mới nhằm giảm bớt công việc của các cơ quan chức năng trong việc chứng minh với tòa án rằng một số hành vi nhất định của các nền tảng trực tuyến là bất hợp pháp. 

Tuần trước, Ủy ban Tư pháp Thượng viện đã thông qua một dự luật lớn nhằm cấm các nền tảng trực tuyến hàng đầu phân biệt đối xử với các sản phẩm của đối thủ trên nền tảng của họ. 

Trong khi dự luật đó tập trung vào hành vi của các công ty, những nhà lập pháp trong Hạ viện cũng đã xem xét một dự luật nhằm chuyển trách nhiệm chứng minh trong các giao dịch sáp nhập sang các công ty chi phối.

Trong năm đầu tiên nắm quyền của Tổng thống Joe Biden, các cơ quan quản lý chống độc quyền được lựa chọn đã chọn hai giao dịch truyền thông và công nghệ quan trọng để chặn. 

Bộ Tư pháp sau đó đã đệ đơn kiện để ngăn chặn việc Penguin Random House mua lại đối thủ Simon & Schuster vào tháng 11/2021. Ngoài ra, chính FTC cũng đệ đơn kiện để ngăn chặn thương vụ mua lại trị giá 40 tỷ USD của Nvidia đối với nhà cung cấp thiết kế chip Arm đến từ Anh trong tháng 12/2021.

Bà Khan cho biết: Khoảng thời gian tương đối ngắn mà các cơ quan thực thi phải hành động trong các nhiệm kỳ của họ cũng đặt ra "cảm giác khẩn cấp khốc liệt". FTC hiểu rằng tổ chức này phải xây dựng các quy định để thay đổi cách Big Tech nghĩ về các thương vụ mua bán và sáp nhập".

Quốc Anh