|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

PVOIL đặt mục tiêu lãi 320 tỷ, dự kiến không chia cổ tức năm 2020

08:14 | 13/04/2021
Chia sẻ
Dựa vào các yếu tố tích cực từ nguồn cung xăng nhập khẩu ngày càng dồi dào cùng các chính sách nhà nước và biến động giá dầu, PVOIL đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng trong năm 2021.

Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL, mã: OIL) dự kiến trình kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu hợp nhất 55.750 tỷ đồng, tăng 10% so với với kết quả năm 2020. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 320 tỷ đồng, trong khi năm ngoái doanh nghiệp lỗ 166 tỷ đồng.

PVOIL đặt mục tiêu lãi 320 tỷ, dự kiến không chia cổ tức năm 2020  - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh những năm gần đây của PVOIL. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC hợp nhất của PVOIL).

Về kế hoạch cổ tức, do ghi nhận lỗ trong năm ngoái, doanh nghiệp dự định không chia cổ tức cho năm 2020, trong khi theo kế hoạch ban đầu, mức chia dự kiến là 2%/vốn điều lệ. Công ty cũng chưa đưa ra tỷ lệ cổ tức năm 2021.

Theo PVOIL, việc xây dựng kế hoạch năm 2021 dựa trên dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 6,17 - 6,72%; giá dầu thô được dự báo giao động ở mức 45 USD/thùng và dự kiến Nhà nước sửa đổi Nghị định 83 về việc giảm mức yêu cầu dự trữ lưu thông; rút ngắn chu kỳ điều hành giá bán lẻ; điều chỉnh công thức tính giá cơ sở... theo hướng tiệm cận hơn với thị trường.

Bên cạnh đó, yếu tố tích cực còn đến từ nguồn cung xăng nhập khẩu ngày càng dồi dào khi có thêm nguồn xăng từ các nước ASEAN với mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo hiệp định AKFTA. Hiện nguồn cung từ các nhà máy lọc dầu trong nước mới đáp ứng khoảng 70% nhu cầu nội địa.

Năm nay, PVOIl dự kiến dành ra 613 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, tăng nhiều lần so với 168 tỷ đồng đã chi ra năm ngoái.

PVOIL dự kiến có lãi trở lại khi nguồn cung xăng nhập khẩu dồi dào - Ảnh 2.

Chi tiết kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2021. (Nguồn: PVOIL).

Nghiên cứu kinh doanh nhiên liệu bay, đẩy nhanh thoái vốn PETEC

Cũng trong năm nay, ban lãnh đạo sẽ tập trung các giải pháp gia tăng sản lượng bán lẻ tại các cửa hàng xăng dầu; chuyển dịch cơ cấu sản lượng tiêu thụ theo hướng tăng sản lượng kênh bán lẻ và khách hàng tiêu thụ trực tiếp. Đồng thời, công ty sẽ nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển kinh doanh nhiên liệu bay Jet A1.

Liên quan đến vấn đề về nhà máy nhiên liệu sinh học, cuối năm 2020, Chính phủ đã đồng ý việc đưa dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Bình Phước ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý. PVOIL cho biết sẽ chủ động thực hiện các phương án xử lý đối với hai dự án này.

Riêng với nhà máy nhiên liệu sinh học Miền Trung, PVOIL sẽ phối hợp với các cổ đông thực hiện phương án thuê cơ sở vật chất của nhà máy nhằm hỗ trợ công ty có nguồn thu để trang trải chi phí, duy trì các hoạt động tối thiểu.

Về công tác cổ phần hóa, công ty sẽ tiếp tục làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để đẩy nhanh việc phê duyệt cổ phần hóa tại Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư (PETEC, mã: PEG). Tính đến cuối năm ngoái, tỷ lệ sở hữu của PVOIL tại PETEC là 94,78%.

Minh Hằng