|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

PV Power kiến nghị thực hiện sản lượng điện hợp đồng theo yêu cầu khí bao tiêu

23:17 | 30/09/2021
Chia sẻ
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) vừa có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực về thực hiện sản lượng điện hợp đồng (Qc), chào giá và vận hành theo yêu cầu tiêu thụ khí trong năm 2021.

Trong văn bản gửi Bộ Công Thương, Phó Tổng Giám đốc PV Power Nguyễn Duy Giang cho biết, mặc dù kế hoạch phát điện năm 2021 được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo bao tiêu khí toàn cụm Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, nhưng đến nay nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 1 và nhà máy nhiệt điện 2 (hai nhà máy sử dụng khí Đông Nam Bộ) lại không có được cơ chế để có thể thực hiện nghĩa vụ bao tiêu đã cam kết.

Cụ thể, Qc dự kiến năm 2021 của Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 1 được tạm tính là 741 triệu kWh, bằng 30% sản lượng điện phát bình quân nhiều năm, tương đương 35% sản lượng điện phải phát để đảm bảo nghĩa vụ bao tiêu khí của nhà máy là 2.146 triệu kWh; Qc dự kiến năm 2021 của nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 2 được tạm tính là 3.292,3 triệu kWh, tương đương 76% sản lượng điện phát bình quân nhiều năm và bằng 76% sản lượng điện phải phát để đảm bảo nghĩa vụ bao tiêu khí của nhà máy là 4.304 triệu kWh.

Tuy nhiên, trong các tháng 7 và 8/2021, sản lượng điện phát thấp hơn so với Qc được phân bổ do phụ tải hệ thống điện giảm rất thấp do dịch bệnh COVID-19 bùng phát nghiêm trọng.

Trong khi đó, giá khí cấp cho Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 2 trong tháng 7 và tháng 8/2021 lên tới 8 - 8,5 USD/Tr.BTU khiến giá biến đổi của hai nhà máy tăng lên đến khoảng 1.530 đồng/kWh (Nhơn Trạch 1) và 1.357 đồng/kWh (Nhơn Trạch 2), trong khi giá điện năng thị trường trong mùa mưa này lại thấp (bình khoảng 764,53 đồng trong tháng 7 và 848,33 đồng trong tháng 8).

Vì vậy, nếu nhà máy chào giá sàn 01 đồng/kWh toàn bộ sản lượng điện phát và để đảm bảo nghĩa vụ bao tiêu khí thì với mỗi 1 kWh phát điện lên lưới các nhà máy điện sẽ lỗ từ 680 đến 760 đồng/kWh (chưa kể đến khoản lỗ do chênh lệch chi phí cố định thực tế và giá công suất - CAN).

Ngoài ra, nếu nhà máy chào giá sàn chỉ để phát với Qc được phân bổ thì sẽ xảy ra tình trạng khởi động lên xuống tổ máy liên tục trong ngày ảnh hưởng đến tình trạng kỹ thuật của tổ máy dẫn đến phát sinh các chi phí về bảo trì sửa chữa. 

Để đảm bảo vận hành an toàn ổn định của tổ máy, giảm các khoản lỗ phát sinh, các nhà máy điện của PV Power buộc phải chào giá để không bị khởi động và ngừng máy liên tục trong ngày.

Theo PV Power, việc phân bổ Qc thấp, không tương đương với nghĩa vụ bao tiêu nhiên liệu của các nhà máy điện Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 2 trong năm 2021 đang gây thiếu hụt chi phí cố định cho hai nhà máy nhiệt điện khí này lần lượt là 549 tỷ đồng và 460 tỷ đồng.

Vì vậy, PV Power kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, chấp thuận nguyên tắc Qc năm không thấp hơn sản lượng điện năng tương ứng với lượng khí bao tiêu theo quy định của Hợp đồng mua bán khí. Trong trường hợp này nhà máy điện sẽ có trách nhiệm và điều kiện để chào giá nhằm đảm bảo nghĩa vụ bao tiêu khí.

Anh Nguyễn

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.