PNJ bị phạt và truy thuế gần 13 tỷ, sắp phát hành gần 6,6 triệu cổ phiếu ESOP giá bằng 1/4 thị giá
PNJ bị phạt và truy thu thuế gần 13 tỷ đồng
Ngày 12/9, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) thông báo đã nhận được quyết định của Tổng Cục thuế về việc xử lý vi phạm hành chính về thuế.
Kết quả thanh tra thuế cho thấy PNJ bị phạt vì hành vi khai sai dẫn đến thiếu tiền thuế phải nộp gần 2,1 tỷ (năm 2021 442 triệu, năm 2022 phạt hơn 1,6 tỷ).
Số tiền truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là 10,1 tỷ (năm 2021 hơn 2,1 tỷ, năm 2022 gần 8 tỷ). Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 263 triệu đồng. Ngoài ra, công ty phải nộp đủ số tiền chậm nộp thuế gần 713 triệu đồng.
Tính tới cuối quý II, quy mô tài sản của PNJ gần 13.493 tỷ đồng. Tổng tiền, tiền gửi có kỳ hạn cuối kỳ đạt 1.499 tỷ.
7 tháng đầu năm, doanh thu thuần của PNJ đạt 18.823 tỷ đồng, giảm 9,2% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.171 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 53% chỉ tiêu doanh thu và 60% kế hoạch lợi nhuận năm.
Sắp phát hành gần 6,6 triệu cổ phiếu ESOP
Bên cạnh đó, HĐQT PNJ đã công bố nghị quyết thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu ESOP cho lãnh đạo PNJ và công ty thành viên theo kết quả lợi nhuận thực hiện năm 2022.
PNJ dự kiến phát hành gần 6,6 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương 2% số cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành là 20.000 đồng/cp, bằng 25% giá cổ phiếu PNJ chốt phiên 14/9 (81.200 đồng/cp).
Thời gian phát hành dự kiến trong quý III - IV của năm 2023. Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của PNJ sẽ tăng thêm 66 tỷ đồng, lên mức 3.347 tỷ đồng.
100% cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. 70% cổ phiếu sẽ hạn chế chuyển nhượng trong 2 năm và 40% số cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành.
Thêm vào đó, HĐQT thông qua triển khai phương án Công đoàn cơ sở của công ty mua lại cổ phiếu ESOP năm 2019, 2020, 2021 và cổ phiếu thưởng tương ứng từ cán bộ, nhân viên nghỉ việc trong thời gian hạn chế chuyển nhượng.
Ngoài ra, HĐQT PNJ cũng thông qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Chí Kiên làm Giám đốc cao cấp - Nguồn nhân lực của Công ty từ ngày 19/9 với kỳ hạn 2 năm.
Cùng ngày, HĐQT PNJ thông qua việc bảo lãnh cho Công ty TNHH MTV Chế tác và Kinh doanh Trang sức PNJ (công ty con do PNJ sở hữu 100% vốn) vay vốn tại ngân hàng với hạn mức 300 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn lưu động, phục vụ sản xuất kinh doanh.
Dự báo chi tiêu trang sức sẽ cải thiện nhưng tốc độ phục hồi chậm
Theo ghi nhận của SSI Research tại Hội thảo Ngày Doanh Nghiệp Việt Nam Goldman Sachs & SSI tổ chức cuối tháng 8, lãnh đạo PNJ dự báo chi tiêu trang sức thời gian tới có thể sẽ tốt hơn quý II/2023 nhưng với tốc độ phục hồi vẫn khá chậm như sự phục hồi của nền kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo kỳ vọng doanh thu bán lẻ của PNJ sẽ phục hồi nhanh hơn bán buôn, phần lớn nhờ vào việc tăng thị phần.
PNJ dự kiến mở 30 - 40 cửa hàng mới mỗi năm cho đến khi công ty đạt 500 cửa hàng (so với số lượng 384 cửa hàng tính đến tháng 7).
Ngoài ra, công ty cũng đặt mục tiêu duy trì biên lợi nhuận gộp trong khoảng 17% - 19% trong năm 2024 (so với mức 17,5% trong năm 2022 và 18,9% trong 6 tháng đầu năm 2023).
Công ty sẽ tăng cường độ nhận diện trực tuyến thông qua Tiktok, Lazada và Shoppe. Tuy nhiên, ban lãnh đạo đã nhận thấy rằng chỉ những mặt hàng có giá trị thấp mới có thể được bán trực tuyến, đồng thời vấn đề bảo mật dữ liệu là mối lo ngại khi đặt hàng qua nền tảng online của bên thứ ba.
Tại buổi hội thảo, nhà đầu tư cũng bày tỏ lo ngại về sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các doanh nghiệp nước ngoài (như Pandora). Song ban lãnh đạo PNJ tin rằng các hãng trang sức trong nước sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các hãng nước ngoài về việc mở rộng mạng lưới cửa hàng.