PNC thoái vốn khỏi CGV: Có dấu hiệu không minh bạch?
Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam mới đây đã có văn bản gửi Bộ Tài chính liên quan đến việc PNC thoái vốn khỏi Công ty TNHH CJ CGV (gọi tắt là CGV) – đơn vị nắm hơn 60% thị phần phát hành phim và hơn 40% thị phần rạp chiếu phim tại Việt Nam.
Lợi nhuận của CGV tăng giảm không ngẫu nhiên?
Theo hiệp hội, diễn biến doanh thu và lợi nhuận của CGV kể từ khi thuộc về Tập đoàn CJ đến nay có điểm khác lạ.
Cụ thể, năm 2012, năm đầu tiên sau khi đổi chủ, CGV lãi 137 tỷ đồng. Nhưng các năm sau đó, lợi nhuận công ty cứ giảm dần đều: 118 tỷ đồng (năm 2013), 70 tỷ đồng (năm 2014), 31,5 tỷ đồng (năm 2015).
Nguyên nhân giảm lợi nhuận được phía CGV giải thích là do mở rộng hệ thống và biến động tỷ giá. Tuy nhiên theo Hiệp hội phát hành và phổ biến phim, lý do này cần được “xem xét”. Bởi nói về mở rộng, năm 2015, CGV mở thêm 10 rạp trong khi đó giai đoạn 2012 – 2014, GV chỉ mở rộng với tốc độ bằng 1/3 nhưng lợi nhuận vẫn sụt giảm.
Diễn biến lợi nhuận của CGV có sự đảo chiều rõ rệt từ năm 2016 khi tăng gấp 3 lần so với năm 2015, đạt 93,36 tỷ đồng. Đến năm 2017, CGV lãi thuần từ hoạt động kinh doanh 140 tỷ đồng.
Điều đáng nói, việc tăng lợi nhuận trong 2 năm này lại khá trùng hợp với kế hoạch của CGV về việc niêm yết trên sàn chứng khoán Hàn Quốc vào năm 2018.
Phương án thoái vốn của PNC có phần khó hiểu
PNC là doanh nghiệp có vốn nhà nước (15% được sở hữu bởi Tổng công ty TNHH MTV Công nghiệp in – bao bì Liksin) và là cổ đông nắm 20% vốn của CGV.
Hồi tháng 6/2018, PNC đã trình cổ đông kế hoạch chuyển nhượng 12,5% vốn góp tai CGV với mức giá 160 tỷ đồng. Đơn vị nhận chuyển nhượng của PNC là Công ty Cổ phần Đầu tư Kim Cương Đen – một pháp nhân mới thành lập hồi tháng 4/2018 với vốn điều lệ 120 tỷ đồng.
Theo tờ trình của PNC, nguồn thu từ thoái vốn sẽ được dùng để trả nợ cho đối tác Cross Junction Investment Pte.Ltd (CJI), bao gồm nợ gốc (7 triệu USD) và một phần lãi vay theo đúng hạn cam kết (18,5 tỷ đồng).
Được biết PNC đã vay CJI từ năm 2014 và khoản vay này được thế chấp bằng toàn bộ vốn góp của PNC tại CGV. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là theo thông tin từ Cục Kế toán và Quản lý doanh nghiệp của Chính phủ Singapore, CJI mới chỉ được thành lập vào tháng 3/2014 với vốn điều lệ 50 USD và là một thành viên của Tập đoàn CJ – công ty mẹ của CGV.
Tại thời điểm Tập đoàn CJ mua lại CGV, đơn vị này có 7 rạp chiếu phim gồm 54 phòng chiếu với doanh thu 23 triệu USD (năm 2010). Tập đoàn CJ đã bỏ ra 73,6 triệu USD để mua lại 92% cổ phần của Envoy Media – pháp nhân nắm 80% vốn của CGV bấy giờ. Như vậy, định giá dành cho CGV tại thời điểm 2010 là 100 triệu USD.
Sau 7 năm, CGV đã có 53 cụm rạp với 324 phòng chiếu, tăng gấp 6 lần; doanh thu năm 2017 đạt 2.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 107 tỷ đồng. Như vậy sau 7 năm, quy mô của CGV đã tăng gấp 3 lần trong khi PNC lại thoái vốn với mức giá chưa đến 60% mức định giá cách đây 7 năm.
“Đây là một phương án có phần khó hiểu”, Hiệp hội phát hành và phổ biến phim nhận định.
Do vậy, hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính tiến hành điều tra xác minh làm rõ các dấu hiệu không minh bạch của Công ty CGV nhằm “ngăn chặn nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước cũng như nguy cơ thị trường và nền điện ảnh Việt Nam bị nước ngoài lũng đoạn”.
Sau khi chốt bán 12,5% cho Công ty Cổ phần Đầu tư Kim Cương Đen, cổ đông PNC mới đây đã thông qua phương án bán nốt 7,5% vốn còn lại tại Công ty TNHH MTV CJ CGV. Giá trị thương vụ ước tính khoảng 101 tỷ đồng. Như vậy, PNC đã chính thức chia tay CGV sau 13 năm gắn bó. |