Phương Tây trừng phạt Nga nhưng cũng có ít nhất 4 nước ủng hộ ông Putin
Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận chủ quyền hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine, lãnh đạo nhiều nước đã lên án mạnh mẽ. Mỹ, Liên minh Châu Âu và Anh đã công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn, cảnh báo nhiều biện pháp hơn sẽ được đưa ra nếu ông Putin tiến thêm.
Các chính phủ cũng cảnh báo về những tác động toàn cầu của cuộc khủng hoảng Ukraine, bằng chứng là hôm thứ Ba (22/2), giá dầu tăng mạnh, trong khi các thị trường chứng khoán lao dốc.
Theo AP, dưới đây là phản ứng của cộng đồng quốc tế sau những diễn biến mới nhất trong cuộc xung đột Nga - Ukraine vốn chưa có dấu hiệu ngừng leo thang.
Những phản ứng ban đầu
Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ đang yêu cầu áp đặt các trừng phạt tài chính nặng nề đối với Nga, tuyên bố Moscow đã vi phạm một cách trắng trợn luật pháp quốc tế. Ông xem hành động đó của Nga là sự khởi đầu cho một cuộc xâm lược Ukraine.
Ông Biden cho biết Mỹ sẽ tung nhiều đòn trừng phạt hơn nếu ông Putin tiếp tục gây hấn.
Đợt trừng phạt đầu tiên này bao gồm loại bỏ hai tổ chức tài chính lớn của Nga khỏi hệ thống tài chính của Mỹ. Các biện pháp trừng phạt mới cũng nhắm vào nợ chính phủ của Nga và 5 cá nhân thân cận với ông Putin hoặc những người con giàu có của họ.
Tổng thống Mỹ cũng cho biết, ông đang điều động thêm quân đến các quốc gia Baltic ở sườn phía đông của NATO giáp với Nga.
Liên minh Châu Âu và Anh cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt ban đầu của mình nhắm vào các quan chức Nga cho những hành động của họ ở Ukraine.
Theo Al Jazeera, 4 nước gồm Cuba, Venezuela, Nicaragua và Syria đã lên tiếng ủng hộ Tổng thống Nga Putin và công nhận chủ quyền của hai vùng ly khai Donetsk, Lugansk ở miền đông Ukraine. Hai vùng ly khai của Georgia là South Ossetia và Abkhazia cũng tuyên bố ủng hộ Nga.
Điều gì đang thực sự diễn ra ở miền đông Ukraine?
Các đoàn xe bọc thép đã được nhìn thấy khắp trên các vùng lãnh thổ do phe ly khai kiểm soát vào cuối ngày thứ Hai (21/2). Hiện vẫn chưa rõ liệu đây có phải là những chiếc xe của Nga hay không. Nhưng tổng thư ký NATO hôm 22/2 cho biết đã "nhìn thấy trong tối qua quân đội Nga đã tiến vào Donbass, đi vào các khu vực của Donetsk và Lugansk".
Một sắc lệnh mơ hồ về mặt chữ nghĩa đã được ông Putin ký vào cuối ngày 21/2 ra lệnh cho quân đội tiến vào các vùng lãnh thổ ly khai để "duy trì hòa bình".
Hôm 22/2, các nhà làm luật Nga đã trao cho ông Putin quyền được triển khai lực lượng quân sự bên ngoài đất nước, một động thái cho thấy khả năng về một cuộc tấn công lớn hơn vào Ukraine.
Theo AP, các quan chức Nga vẫn chưa thừa nhận bất kỳ đợt triển khai quân đội nào. Nhưng Vladislav Brig, một thành viên của hội đồng ly khai địa phương ở Donetsk nói với các phóng viên rằng quân đội Nga đã tiến vào, tiếp quản các vị trí ở phía bắc và phía tây của khu vực.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói với các nhà làm luật Anh rằng các xe tăng của Nga đã hiện diện ở miền đông Ukraine.
Ukraine phản ứng như thế nào?
Tổng thống của Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã cố gắng thể hiện sự bình tĩnh trong một bài phát biểu gửi tới người dân trong tối 21/2. Ông nói: "Chúng ta không sợ bất cứ ai và bất cứ điều gì".
Ông Zelenskyy hôm 22/2 cho biết, ông đang triệu tập một số quân nhân dự bị của đất nước, nhưng nói thêm rằng không cần phải huy động toàn bộ quân đội.
Những người biểu tình, một số phủ kín người bằng những lá cờ của Ukraine, đã tụ tập bên ngoài đại sứ quán của Nga ở Kiev. Một người giơ cao khẩu hiệu với dòng chữ: "Chúng tôi chọn Châu Âu chứ không phải Nga".
NATO nói gì về hành động của Nga?
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng Nga đang tiến hành các hoạt động quân sự chống lại Ukraine và ông lên án quyết định công nhận các khu vực ly khai ở phía đông nam Ukraine như là những quốc gia độc lập.
"Moscow giờ đây đã chuyển từ những nỗ lực được che đậy nhằm phá hủy Ukraine sang hành động quân sự không chút giấu giếm", ông Stoltenberg nói với các phóng viên vào hôm 22/2.
Khi được hỏi về việc liệu những hành động của Nga có được xem là một sự xâm lược hay không, ông cho biết "Nga đã thực sự xâm lược Ukraine từ năm 2014" khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Ông nói thêm rằng, những gì mà chúng ta thấy hiện nay là một đất nước đã bị xâm lược đang phải chịu đựng thêm sự xâm lược".
Ông Stoltenberg nói rằng, các đồng minh NATO có hơn 100 máy bay phản lực trong tình trạng báo động cao và hơn 120 tàu chiến sẵn sàng trên biển từ Bắc Cực cho đến Địa Trung Hải.
Ông cho biết, lực lượng phản ứng của NATO vẫn duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao độ, mặc dù chưa được triển khai. Một số đồng minh đang chuyển quân đội, tàu chiến và máy bay đến các nước Baltic và gần Biển Đen để bảo vệ các đồng minh NATO.
Đức dừng xem xét cấp phép cho đường ống dẫn khí
Thủ tướng Olaf Scholz cho biết, Đức đã thực hiện các bước để tạm ngừng tiến trình cấp chứng nhận cho đường ống dẫn khí Dòng chảy phương bắc 2 (Nord Stream 2). Ông chỉ trích hành động của ông Putin đối với Ukraine là một "sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế".
Quyết định này là một bước đi đáng kể của chính phủ Đức, vốn từ lâu phản đối việc rút khỏi dự án Nord Stream 2 bất chấp sức ép từ Mỹ và một số quốc gia Châu Âu.
Nói với các phóng viên tại Berlin, ông Scholz cho biết "điều quan trọng là cần cho Moscow thấy được rằng những hành động như vậy sẽ không được để yên mà không có hậu quả nào". Ông nói bây giờ là lúc cho cộng đồng quốc tế phản ứng trước hành động đơn phương, khó hiểu và phi lý của tổng thống Nga.
Washington từ lâu đã cho rằng, xây dựng một đường ống dẫn khí khác từ Nga đến Đức chỉ làm tăng sự phụ thuộc của Châu Âu vào nguồn cung năng lượng của Nga.
Anh và Liên minh Châu Âu đang làm gì?
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, chính phủ của ông đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 5 ngân hàng Nga và 3 cá nhân giàu có thân cận với ông Putin sau những hành động quân sự mới nhất của Nga đối với Ukraine.
Ông Johnson nói với các nhà làm luật rằng, các lệnh trừng phạt sẽ giáng những đòn mạnh vào các ngân hàng của Nga: Rossiya Bank, IS Bank, General Bank, Promsvyazbank và the Black Sea Bank.
Ông cho biết, ba nhà tài phiệt Nga trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng là Gennady Timchenko, Boris Rotenberg và Igor Rotenberg sẽ bị đóng băng tài sản và bị cấm đến Anh.
Ông Johnson tố cáo ông Putin "tạo cớ cho một cuộc tấn công quy mô toàn diện" chống lại Ukraine và nói rằng "các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa" sẽ được áp dụng nếu điều đó xảy ra.
Các quan chức hàng đầu của Liên minh Châu Âu nói rằng, khối này chuẩn bị áp đặt các trừng phạt đối với một số quan chức Nga và các ngân hàng tài trợ cho lực lượng vũ trang Nga như một phần của các động thái nhằm hạn chế sự tiếp cận của Moscow với các thị trường tài chính và vốn của EU.
Vẫn còn cơ hội cho đối thoại?
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông đã hủy bỏ kế hoạch gặp người đồng cấp Nga tại Geneva vào cuối tuần này.
Ông Blinken nói với các phóng viên vào hôm 22/2 rằng, những hành động của Nga cho thấy Moscow không nghiêm túc đối với con đường ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng. Vì vậy, ông cho biết đã hủy cuộc gặp mặt được lên kế hoạch vào hôm 24/2 với ngoại trưởng Sergey Lavrov.
Nhắc lại lời tổng thống Joe Biden, ông Blinken nói rằng quyết định của tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập đối với hai nhà nước cộng hòa ly khai ở khu vực Donbass của Ukraine là một sự vi phạm luật pháp quốc tế. Ông cho biết thêm, việc bố trí quân đội Nga ở đó đã đủ để được xem như khởi đầu một cuộc xâm lược.
Mặc dù vẫn tiếp tục hy vọng về một giải pháp hòa bình thông qua ngoại giao, Ngoại trưởng Blinken cho biết ông không tin một cuộc gặp với ông Lavrov sẽ mang lại kết quả vào lúc này.
Ông Biden và ông Putin trước đó đã miễn cưỡng đồng ý một cuộc gặp mặt với sự trung gian của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để tránh một cuộc chiến tranh vào phút chót.
Nhưng triển vọng của cuộc gặp này hiện chưa rõ trước những diễn biến mới nhất gần đây. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng "còn quá sớm để nói về những kế hoạch cụ thể cho một cuộc gặp cấp cao".