'Phụ nữ có nhiều ý tưởng khởi nghiệp độc đáo hơn nam giới'
Sáng ngày 14/12, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổ chức phát triển Hà Lan SNV tổ chức Diễn đàn “Phụ nữ Khởi nghiệp: Sáng tạo và Kết nối”. Diễn đàn được tổ chức nhằm thảo luận những thách thức và cơ hội khi phụ nữ khởi nghiệp, từ đó đề xuất hướng giải quyết cũng như các khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp nữ nói riêng và bình đẳng giới nói chung tại Việt Nam.
Diễn đàn "Phụ nữ khởi nghiệp: Sáng tạo và Kết nối". Ảnh: Xuân Mến |
Diễn đàn năm nay cũng là dịp giới thiệu Đề án hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2011 2025 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, với mục tiêu hỗ trợ phụ nữ 63 tỉnh, thành phố khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh và phát triển ý tưởng sáng tạo và kết nối ý tưởng, nguồn lực.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Trần Tú Anh, Giám đốc Chương trình FLOW/EOWE Việt Nam thuộc Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV Việt Nam cho biết, tỷ lệ chị em khởi nghiệp đang tăng. Bà dẫn kết quả một cuộc khảo sát cho thấy 68% ý tưởng khởi nghiệp độc đáo đến từ phụ nữ.
Bà Trần Tú Anh chia sẻ lại câu chuyện của chị Lê Nguyện- Giám đốc Hợp tác xã Thanh Long Hàm Đức, Bình Thuận. Hơn 10 năm, chị Nguyện chịu đựng những trận đánh của chồng. Rồi một ngày, chị quyết định thoát khỏi người chồng vũ phu. Sau đó, chị nhận ra tiềm năng phát triển cây thanh long. Chị đã thử nghiệm và mở rộng quy mô, thành lập Hợp tác xã Thanh Long. Bà Tú Anh cho rằng: “Hoàn cảnh bế tắc thôi thúc sự sáng tạo”.
Hiện nay, nhiều phụ nữ chưa đủ tự tin, nặng về định kiến xã hội, không dám tự khởi nghiệp. “Chị em phải thoát ra khỏi cái kén, định kiến của xã hội” và “Phụ nữ khởi nghiệp không những mang lại bình đẳng giới, mà còn mang lại lợi ích kinh tế cao”, Bà Tú Anh nói.
Bà Trần Tú Anh (ngoài cùng bên phải) chụp hình kỷ niệm tại gian hàng sản phẩm của doanh nghiệp nữ tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Xuân Mến |
Ngô Thị Kim Liên, Giám đốc điều hành Hợp tác xã sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh, cũng chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp của bà: “Do bố chồng ốm mà người ta bảo phải mua nấm linh chi về cho ông uống, vì nấm linh chi phần nào ngăn ngừa, giảm được tế bào ung thư. Ban đầu, gia đình phải mua từ xa. Lúc đó, tôi nảy ra ý định mua về trồng. Tôi thử nghiệm 100m2 đất để trồng. Nhưng thấy bà con sử dụng nhiều nên nghĩ phải mở rộng. Năm 2007 tôi bắt đầu trồng. Sau đó, tôi thuê thêm đất để mở rộng thành Hợp tác xã trồng nấm linh chi. Đến nay, Hợp tác xã liên kết với 26 tổ hợp tác vệ tinh và 300 thành viên trồng nấm”.
Cũng tại Diễn đàn, ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, cho biết: tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp tại Ninh Thuận tăng, năm 2012 là 21%, năm 2016 là 30%, dự kiến năm 2020 là 35%. “Chị Trần Thị Tất là thanh niên xung phong về hưu. Chị thấy điều kiện sản xuất muối tại địa phương tốt nên đã thuê 2 ha đất làm muối. Sau đó, chị quy tụ thành Hợp tác xã. Hiện nay 6 hộ gia đình tham gia hợp tác xã và mỗi năm mang lại từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng”, ông Bình chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Văn Bình phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Xuân Mến |
Nhận thấy vai trò của phụ nữ khởi nghiệp, trong bài phát biểu tại Diễn đàn, tiến sỹ Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp và hộ gia đình do phụ nữ quản lý đã góp phần tạo ra giá trị của cải vật chất, nguồn thu nhập đáng kể cho đất nước, góp phần giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ với nhà nước và trách nhiệm cao với xã hội và cộng đồng. Ngày càng có nhiều doanh nhân nữ Việt Nam đã được tổ chức quốc tế có uy tín xếp vào danh sách các phụ nữ quyền lực nhất Châu Á”.