|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Phong trào tẩy chay hàng Nhật khiến nhiều người Hàn Quốc phải lén lút như kẻ trộm khi mua hàng Nhật

15:14 | 17/10/2019
Chia sẻ
Nhiều người Hàn Quốc bí mật mua hàng hóa và dịch vụ của Nhật Bản trong bối cảnh xung đột thương mại giữa hai quốc gia Đông Á chưa tới hồi kết. Các thương hiệu Nhật Bản ưu tiên bán trực tuyến để phục vụ nhu cầu của họ.

Kim Sung-jin từng là khách hàng thường xuyên tại cửa hàng Uniqlo ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Nam nhân viên văn phòng thích sự vừa vặn và phong cách của áo thun Uniqlo.

Nhưng trong những tháng gần đây, phong trào tẩy chay hàng hóa Nhật Bản ở Hàn Quốc đã khiến anh cảm thấy áp lực phải tránh xa. Thay vì xuất hiện trong các cửa hàng Uniqlo ở Seoul, anh bí mật tới Nhật Bản ít nhất mỗi tháng một lần.

"Tôi đã đến cửa hàng Uniqlo ở Tokyo và mua áo phông", Sung-jin kể về chuyến đi Nhật Bản mới nhất của anh với báo South China Morning Post.

Những người khổ sở vì thích hàng hóa Nhật Bản

Mặc dù Kim không chia sẻ hình ảnh về các chuyến sang Nhật Bản trên mạng xã hội hoặc nói với đồng nghiệp về họ, anh tỏ ra cởi mở hơn với gia đình và bạn bè. Anh nói với họ rằng anh ghét chính phủ Nhật Bản, nhưng không ghét đất nước Nhật Bản. 

Mặc dù bay ra nước ngoài để mua hàng có vẻ là hành vi cực đoan, Kim là một trong số ngày càng nhiều người Hàn Quốc bí mật tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ của Nhật Bản.

Hiện tượng "mua hàng Nhật như lấy trộm" đang diễn ra bởi một cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai nước, làm xấu thêm một mối quan hệ vốn đã khó khăn. Sự thù địch giữa hai bên bắt nguồn từ thời Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên vào đầu thế kỷ 20. 

dan Han Quoc

Một người dân Hàn Quốc cầm biểu ngữ với nội dung tẩy chay hàng hóa, dịch vụ từ Nhật Bản trong một cuộc tuần hành ở thủ đô Seoul hồi tháng 7. Ảnh: Korea Times

Vào tháng 7, mối quan hệ trở nên tệ hơn khi Nhật Bản tuyên bố họ sẽ hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Hàn Quốc - một động thái mà Seoul coi là sự trả đũa cho việc Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu Nhật Bản bồi thường cho nạn nhân Hàn Quốc lao động cưỡng bức thời chiến.

Phản ứng của dư luận Hàn Quốc là kêu gọi tẩy chay hàng hóa của Nhật Bản, từ bia, văn phòng phẩm tới xe hơi. Các siêu thị, cửa hàng bỏ sản phẩm Nhật Bản ra khỏi kệ.

Đối tượng lâm vào tình thế khó xử là những người tiêu dùng Hàn Quốc chuộng phong cách của các thương hiệu Nhật Bản - từ các sản phẩm thời trang của Uniqlo tới chuỗi siêu thị giảm giá Daiso.

Giống như Kim Sung-jin, một số người trong họ cảm thấy không muốn hưởng ứng phong trào tẩy chay hàng Nhật.

Mano Lee, một phóng viên tự do ở Seoul, đối mặt với tình thế khó khi cô muốn mua một áo thun đen mà cô chỉ thấy ở cửa hàng của Uniqlo. Mặc dù tuyên bố ủng hộ phong trào tẩy chay, Mano vẫn bí mật bước vào một cửa hàng Uniqlo, mua áo và nhanh chóng rời đi. 

"Sau khi tôi mặc áo, nhiều người đã lên án tôi vì thấy logo của Uniqlo mua nó", cô nói.

Hoạt động mua hàng Nhật Bản trên mạng

Nhiều người khác nhát hơn Mano và chọn giải pháp mua hàng trực tuyến. Họ tập hợp thành những nhóm trên mạng xã hội và chia sẻ thông tin về cách mua sản phẩm của Uniqlo trên mạng một cách bí mật. Họ cũng liệt kê những công ty giao hàng không muốn nhận sản phẩm Uniqlo.

Vậy nên, mặc dù doanh số bán hàng trực tiếp của Uniqlo tại Hàn Quốc giảm mạnh (lợi nhuận giảm 40% trong tháng 7 và hãng đóng 4 cửa hàng tại Hàn Quốc trong mùa hè vừa qua), doanh số trực tuyến vẫn tăng đều.

Mặc dù Uniqlo từ chối tiết lộ doanh số bán hàng trực tuyến, giới truyền thông Hàn Quốc đưa tin họ đã bán rất nhiều dòng sản phẩm U - thành quả hợp tác của họ với nhà thiết kế thời trang Christophe Lemaire.

Uniqlo

Một cửa hàng thời trang Uniqlo ở thành phố Seoul. Ảnh: SCMP

"Dư luận Hàn Quốc đang tạo ra áp lực tẩy chay hàng Nhật Bản, nhưng rõ ràng nếu sản phẩm tốt, người Hàn Quốc vẫn mua", Kim Jin-young, một giáo sư kinh tế vi mô ứng dụng của Đại học Korea, phát biểu.

Trong tình thế hiện tại, mọi người không ngạc nhiên khi thấy Uniqlo đẩy mạnh các chiến dịch giảm giá, tiếp thị trực tuyến, với mức giảm giá lên tới 50% cho các sản phẩm mới. Giá của nhiều sản phẩm trên nền tảng trực tuyến chỉ bằng 50-75% so với giá ở cửa hàng.

Không bình luận về những người như Mano hay Sung-jin, song một người phát ngôn của thương hiệu Uniqlo khẳng định rằng họ đang theo dõi sát sao tình hình tẩy chay hàng hóa Nhật Bản ở Hàn Quốc.

Sung-jin tin rằng cuối cùng người tiêu dùng Hàn Quốc sẽ tự chấm dứt phong trào. "Tôi nghĩ phong trào sẽ không tồn tại lâu nữa. Doanh số của các sản phẩm từ Nhật Bản sẽ khiến mọi người hiểu vấn đề", anh nhận định.

Nhạc Dương

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.