|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chung sống an toàn với dịch COVID-19 trong từng lĩnh vực

06:02 | 18/04/2020
Chia sẻ
Phó Thủ tướng nhận định dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài cho tới khi nào có thuốc đặc trị hoặc có vắc xin và khoảng thời gian ít nhất phải tính bằng tháng. Do đó, chúng ta phải xác định chung sống nhưng nhất thiết phải an toàn, tuyệt đối không được chủ quan.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 với 63 địa phương, chiều 17/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh 3 điểm quan trọng trong công tác chống dịch hiện nay: Kiểm soát dịch bệnh - Chung sống an toàn - Điều chỉnh tích cực, theo báo Chính phủ.

Phó Thủ tướng nhận định dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài, dù sẽ có từng nơi, từng thời điểm lắng xuống, nhưng chỉ tới khi nào có thuốc đặc trị hoặc có vắc xin thì mới có thể coi là cơ bản hết dịch được. 

Điểm này rất quan trọng vì chúng ta không thể đóng kín cửa một mình, dù hạn chế nhưng vẫn phải có giao lưu để đảm bảo "mục tiêu kép", không để dịch lan rộng nhưng đồng thời cũng phải ổn định và phát triển. Thời gian đó chắc chắn không tính bằng tuần mà phải tính ít nhất bằng tháng. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chung sống an toàn với dịch COVID-19 trong từng lĩnh vực - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng nhấn mạnh vì dịch còn dài nên chúng ta phải xác định chung sống nhưng nhất thiết phải an toàn, tuyệt đối không được chủ quan, có an toàn mới phát triển được.

Theo đó, muốn chung sống an toàn chúng ta phải hiểu được về dịch bệnh này, sự nguy hiểm của nó và cơ chế lây lan, từ đó quán triệt thực hiện thật tốt tất cả các quy định, hướng dẫn liên quan đến cơ chế lây lan của virus SARS-CoV-2. Dễ thấy như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách, rửa tay, không tập trung đông người… 

Những giải pháp này hết sức quan trọng vì cơ chế lây lan của virus là chủ yếu qua đường giọt bắn từ nước bọt hoặc trực tiếp vào mũi, miệng, mắt người tiếp xúc gần hoặc nước bọt dính trên bề mặt rồi dính vào tay, từ tay lên miệng, mũi, mắt.

Việc chung sống an toàn với dịch bệnh phải vào từng lĩnh vực cụ thể.

Trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe: 

Từ ăn ở hợp vệ sinh mùa dịch, lau chùi nhà cửa, để thông thoáng, luyện tập, tinh thần… đến việc đảm bảo an toàn trong khám chữa bệnh. Chỉ tới cơ sở y tế khám bệnh khi thực sự cần thiết, sau khi đã liên hệ với bác sĩ hoặc cơ sở y tế. Các cơ sở y tế phải quán triệt tinh thần coi người đến khám là người có nguy cơ lây nhiễm (F1) để có giải pháp đảm bảo an toàn cho người khám, người tới khám và tất cả mọi bệnh nhân, nhân viên trong cơ sở y tế.

Thứ hai là học tập an toàn 

Bộ GD&ĐT và các địa phương cần chuẩn bị kỹ lưỡng học tập an toàn với các giải pháp rất cụ thể cho từng vùng, từng cấp học, từng loại hình trường lớp. Mấy tháng qua đã có các hướng dẫn và chuẩn bị rồi, nay cần rà soát, bổ sung và thực hiện phù hợp để khi dịch bệnh kiểm soát được rồi thì học sinh đi học trở lại phải an toàn.

Thứ ba là đi lại phải an toàn

Chúng ta hạn chế ra ngoài, đi lại khi không thật sự cần thiết nhưng khi cần thiết thì đi lại phải an toàn. Cần có qui định thật cụ thể khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng từ máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, xe khách tới taxi, xe ôm. Ví dụ taxi và kể cả xe ôm thì khẩu trang như thế nào, xịt tay khi lên, xuống xe như thế nào…

Thứ tư là sản xuất, kinh doanh an toàn

Từ nhà máy, xí nghiệp lớn tới các tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất kinh doanh gia đình, nhỏ lẻ, lao động tự do đều phải có các hướng dẫn rất cụ thể ơt từng địa phương. Đặc biệt đối với các hộ kinh doanh cá thể, người hành nghề tự do cần có quy định hướng dẫn kể cả khi cầm tiền, thanh toán… như thế nào cho an toàn.

Thứ năm là các hoạt động của các cơ quan công quyền an toàn

Đặc biệt là việc tổ chức các sự kiện cần có nhiều người tham gia phải có phương án thật chi tiết đảm bảo đúng các hướng dẫn về phòng dịch.

Thứ sáu là sinh hoạt vui chơi, văn hóa, thể thao, du lịch

Trước mắt chúng ta chưa cho phép tập trung đông người. Đối với các hoạt động bắt buộc phải làm như hiếu, hỉ cần tuân thủ quy định về số người tham gia cùng các biện pháp đảm bảo an toàn. Các cơ sở lưu trú không chỉ phải đáp ứng các yêu cầu về y tế thuần túy mà cả các yêu cầu về khai báo lưu trú… đáp ứng yêu cầu chống dịch. Ngành văn hóa, du lịch cần chủ động hoàn thiện các quy định, hướng dẫn để sẵn sàng khi tình hình dịch được kiểm soát tốt sẽ từng bước mở lại các hoạt động trên tinh thần phải đảm bảo an toàn.

"Tinh thần chung là chúng ta phải chung sống an toàn trên từng lĩnh vực, từng ngõ ngách, từng cấp độ nhưng tuyệt đối không chủ quan" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trúc Minh