|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Phó Thống đốc: Tăng trưởng tín dụng âm do yếu tố mùa vụ, sau tháng 12/2023 tăng trưởng gần 4%

19:30 | 02/03/2024
Chia sẻ
Theo Phó Thống đốc, nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng âm là do yếu tố mùa vụ sau khi tháng 12 tăng trưởng tín dụng rất mạnh khoảng 4%. Thông thường yếu tố mùa vụ vào quý IV, hoạt động kinh tế sẽ sôi động hơn, kéo theo hoạt động cho vay cũng sôi động hơn.

Chiều 2/3 đã diễn ra Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2. Đặt câu hỏi cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, phóng viên nêu vấn đề về nguyên nhân nào khiến tăng trưởng tín dụng rất thấp, thậm chí là âm?

Trả lời câu hỏi này, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết qua hai tháng đầu năm 2024, tín dụng tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ của các năm, với thực tế là thanh khoản rất dồi dào nhưng tăng trưởng tín dụng chậm so với cùng kỳ các năm.

"Nguyên nhân chung là do yếu tố mùa vụ sau khi tháng 12 tăng trưởng tín dụng rất mạnh khoảng 4%", Phó Thống đốc cho biết.

Theo ông, thông thường yếu tố mùa vụ vào quý IV, hoạt động kinh tế sẽ sôi động hơn, kéo theo hoạt động cho vay cũng sôi động hơn. Tháng 1, tháng 2 là tháng Tết nên hoạt động tín dụng sẽ giảm và hoạt động vay vốn cũng không được tăng trưởng như quý IV năm trước.

Năm nay còn có yếu tố nữa là nền kinh tế thế giới thực sự chưa khởi sắc mà các thị trường chính của chúng ta cũng chưa phát triển mạnh mẽ nên ảnh hưởng đến yếu tố đầu ra, xuất khẩu, trong khi đó thị trường trong nước còn khó khăn nên cầu về tín dụng cũng có sự suy giảm.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà. (Ảnh: N.N).

Về giải pháp, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Ngay đầu tháng 2, chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung đẩy mạnh giải pháp tăng trưởng tín dụng, tăng cường rà soát, đơn giản hóa các thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng; tập trung tăng cường công tác chuyển đổi số áp dụng vào quy trình tín dụng để tăng khả năng tiếp cận vốn và phổ cập rộng hơn hoạt động tín dụng ngân hàng.

Sang tháng 2 (ngày 20/2), Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức hội nghị toàn ngành để đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Sau rất nhiều giải pháp như vậy, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát các văn bản theo Luật Tổ chức tín dụng mới được ban hành. Chúng tôi sẽ rà soát các văn bản, nghị định hướng dẫn để bảo đảm chỉnh sửa theo nghị định, Luật, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khách hàng vay.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã và đang có nhiều nỗ lực, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh tín dụng.

Về phía người cho vay, thanh khoản rất dồi dào và phía ngân hàng sẵn sàng nguồn vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp chính sách của các cơ quan một cách đồng bộ hơn. Cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ như quỹ bảo hiểm tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp này.

Về phía người đi vay, NHNN cũng khuyến khích các doanh nghiệp tích cực thực hiện giải pháp tái cơ cấu hoạt động, có thêm các dự án đầu tư hay sản xuất kinh doanh khả thi, chứng minh được sự khả thi của các dự án của mình; minh bạch, tăng cường năng lực tài chính để người cho vay (các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại) thẩm định và cung ứng dịch vụ vốn vay cho người vay một cách thuận lợi trong thời gian tới.

"Chúng ta đã qua 2 tháng, tín dụng tháng 1 có giảm, tháng 2 giảm ít hơn do nhu cầu tín dụng tháng 2 có tăng lên. Như vậy tín dụng tháng sau đã có sự tăng trưởng hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tăng của tháng 3, quý I và các tháng tiếp theo để có giải pháp cụ thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ người đi vay và tăng trưởng nền kinh tế", Phó Thống đốc nói.

Hạ An

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).