|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Dự báo tín dụng sẽ tăng trở lại từ tháng 3

16:28 | 29/02/2024
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia cho rằng với xu hướng giảm lãi suất cho vay, sự phục hồi tích cực của nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng trở lại kể từ tháng 3.

Nhu cầu vay vốn thấp, tín dụng nền kinh tế hai tháng đầu năm đã ghi nhận giảm so với cuối năm trước. Theo số liệu mới nhất VDSC ghi nhận được từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 16/2, tín dụng đã giảm 1% trong khi cuối tháng 1 con số này là 0,6%.

Trong tháng 1,  có 5/9 nhóm tổ chức tín dụng ghi nhận tín dụng giảm. Trong đó nhóm ngân hàng liên doanh ghi nhận tín dụng giảm mạnh nhất, ở mức 3,41%; ngân hàng 100% vốn nhà nước giảm 2,2%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước giảm 0,88%; nhóm thương mại cổ phần giảm 0,51%; nhóm ngân hàng nước ngoài giảm 0,32%.

Lý giải thực trạng này, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết trong tháng 12/2023 tín dụng đã tăng rất mạnh đưa mức tăng trưởng cả năm lên 13,7%, vượt qua kỳ vọng của nhiều người. Trong khi đó, tháng 1/2024 lại rơi vào sát Tết Nguyên đán, đây là thời điểm doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng nhằm thu hồi vốn, nên nhu cầu về vốn để mua sắm nguyên vật liệu sản xuất không thể cao so với các thời điểm khác trong năm.

“Vì vậy, tăng trưởng tín dụng giảm 0,6% là điều bình thường và trong tháng 2 cũng không thể cao được do rơi vào tháng Tết”, ông Thịnh nhận định

Vị chuyên gia này cho rằng tăng trưởng tín dụng có thể tăng trở lại từ tháng 3 do doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang có những tín hiệu tích cực về đơn hàng trong khi tiêu dùng trong nước cũng cải thiện. Cộng đồng doanh nghiệp đã và đang tập trung vào sản xuất kinh doanh nên nhu cầu vốn sẽ tăng cao.  

Cùng với đó, từ cuối năm 2023, NHNN cũng giao ngay chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 15%. Đây là cơ sở để các ngân hàng thực hiện đẩy mạnh xem xét cho vay trong nền kinh tế ngay từ những tháng đầu năm. 

“Các ngân hàng sẽ tích cực chủ động trong việc nắm bắt các tín hiệu của thị trường để đảm bảo kế hoạch tăng trưởng.”, ông Thịnh nêu.

Trên thực tế, theo khảo sát của người viết, trong thời điểm đầu năm, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã và đang áp dụng loạt chương trình giảm lãi suất cho vay, kích thích tăng trưởng tín dụng.

Cụ thể, từ nay đến hết ngày 31/12/2024, SHB dành 18.000 tỷ đồng ưu đãi khách hàng cá nhân vay vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh và nhu cầu đời sống như mua nhà, mua xe ô tô… với lãi suất từ 6,79%/năm.

Sacombank bổ sung thêm 10.000 tỷ đồng, nâng hạn mức gói lên thành 35.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 6%/năm đối với các kỳ hạn dưới 12 tháng hoặc chỉ từ 7%/năm đối với các khoản vay trung dài hạn. Gói vay mới phục vụ đời sống có hạn mức 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 6,5%/năm, cố định trong 6 tháng, 12 tháng hoặc 24 tháng. Cả hai gói vay triển khai đến hết ngày 31/3/2024.

Trước đó tạiHội nghị trực tuyến đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã tụt rất mạnh, khoảng hơn 1%, nhưng kể từ ngày 15/1 đã có sự phục hồi và đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng giảm còn gần 1%.

Ông cho hay do đặc thù ngân hàng Agribank có dư nợ cho vay cá nhân chiếm 70% nên thường vào đầu năm thì dư nợ tín dụng sẽ giảm mạnh, cuối năm vào vụ sẽ tăng. "Sự hồi phục còn chậm, tới quý III và quý IV mới có sự phục hồi rõ rệt", ông dự báo dự kiến hết quý II, Agribank có thể tăng trưởng tín dụng 5 - 6%.

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cũng cho rằng việc dư nợ ngắn hạn giảm mạnh trong đầu năm tài chính là không bất ngờ. "Sang cuối quý I và cuối quý II, việc giải ngân khách hàng doanh nghiệp và cá nhân sẽ quay lại như bình thường", ông Tùng dự báo.

Lãi suất vay khoảng 8%/năm là phù hợp

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính. (Ảnh: VIR).

Còn theo góc nhìn của chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15% cũng không quá khó để đạt được do kinh tế thế giới và trong nước đã có hồi phục nhất định, kéo theo nhu cầu trong doanh nghiệp cũng tăng.

Tuy nhiên, một trong những rào cản của tăng trưởng tín dụng là việc giảm lãi suất cho vay chưa thực sự diễn ra trên diện rộng, mới chỉ xuất hiện ở một số ngân hàng với từng “gói” được thiết riêng dành cho một số ngành, doanh nghiệp hay hoạt động kinh doanh cụ thể có khả năng trả nợ cao và phần lớn là kỳ hạn ngắn.

Thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng cũng đã áp dụng lãi suất cho vay dưới 7%/năm nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh. Song, mức lãi suất này chỉ áp dụng cho những doanh nghiệp có tài sản đảm bảo (TSĐB) và khả năng trả nợ cao. Còn những doanh nghiệp không có TSĐB và rủi ro cao thì phải chịu lãi vay 10%/năm trở lên 

“Trong khi đó, đối với phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có tài sản thế chấp và không quen làm phương án kinh doanh chi tiết thì sẽ rất khó vay vốn lãi suất thấp từ ngân hàng”, ông Hiếu bày tỏ lo ngại.

Theo tính toán của chuyên gia này với mức lạm phát ước khoảng 3%,lãi suất huy động ở mức 5%/năm và biên độ lợi nhuận cho ngân hàng là 3% thì mức lãi suất cho vay sẽ 8%/năm là phù hợp.  

Để tiếp tục hạ lãi suất cho vay, ông Hiếu cho rằng, ngoài việc tiếp tục kiểm soát lạm phát từ phía Chính phủ, các NHTM các cần phải tìm mọi cách để giảm chi phí không cần thiết trong quá trình kinh doanh, từ đó giảm được lãi cho vay ra, giúp giảm chi phí đầu vào chung của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vay nhiều đang gặp khó khăn về tài chính.

Ngoài ra, để giúp doanh nghiệp có vốn và giảm thiểu rủi ro cho ngành ngân hàng, ông Hiếu cũng đề xuất Chính phủ cũng cần thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng Quốc gia với vốn điều lệ lên tới hàng nghìn tỷ đồng, để khi không có TSĐB, thì khoản vay có phương án kinh doanh tốt của doanh nghiệp sẽ được quỹ này bảo lãnh.

“Năm nay, tôi mong Chính phủ sẽ thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng Quốc gia với vốn điều lệ lên tới hàng nghìn tỷ đồng, để khi nhiều doanh nghiệp không vay được vốn ngân hàng sẽ được quỹ này bảo lãnh.”, ông Hiếu đề xuất.

 

Nguyễn Ngọc