Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng: NHNN thông báo quá trễ, DN không đủ thời gian chuẩn bị đấu thầu
Sáng nay (22/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo huỷ phiên đấu thầu vàng theo dự kiến trước đó do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định.
Chia sẻ với chúng tôi về nguyên nhân vụ đấu thầu bị huỷ, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA), cho rằng NHNN gửi thông báo cho các doanh nghiệp quá trễ, do đó họ không chuẩn bị kịp cho phiên đấu thầu này.
“17h ngày 19/4 hết hạn đăng ký, chuyển cọc nhưng 16h NHNN mới gửi thông báo. Do đó, doanh nghiệp không kịp thời gian để chuyển tiền chứ không phải họ không quan tâm”, ông Khánh nói.
Hiện tại, có 15 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đủ điều kiện để tham giá đấu thầu vàng.
Cũng trong sáng nay, NHNN gửi thông báo tổ chức lại phiên đấu thầu vàng vào 9h sáng ngày 23/4 đến các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đủ điều kiện để đăng ký và đặt cọc ngay trong hôm nay. Tổng khối lượng đấu thầu là 16.800 lượng vàng SJC do NHNN sản xuất, tỷ lệ cọc 10%.
Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 80,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn so với mức chào thầu trước đó 81,8 triệu đồng/lượng. Bước giá dự thấu là 10.000 đồng lượng và bước khối lượng là 1 lô. Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô (tương đương 1.400 lượng)
Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố.
NHNN lưu ý, trường hợp không mua được vàng từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung vàng theo nhu cầu, cơ quan này sẽ huỷ kết quả thầu. Giờ thanh toán tiền mua vàng là trước 16h ngày tổ chức tín dụng, doanh nghiệp thanh toán tiền cho NHNN.
Đây là lần đấu thấu vàng trở lại sau 11 năm vắng bóng, kể từ sau phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào năm 2013.
Theo ông Khánh, việc đấu thầu vàng lần này được xem là giải pháp ngắn hạn giúp rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa vàng miếng trong nước và thế giới vì đây là yêu cầu của Thủ tướng là phải làm “ngay và luôn”.
“Đây là biện pháp nhanh nhất để tăng nguồn cung vàng miếng. Cụ thể đấu thầu bao nhiêu phiên để tiệm cận giá quốc tế thì cần phải theo dõi. Nhưng tôi nghĩ rằng chỉ sau 7 - 10 phiên đấu thầu, giá vàng miếng trong nước sẽ giảm dần”, ông nói.
Bên cạnh việc đấu thầu, theo ông một biện pháp khác mà NHNN có thể làm ngay được là cấp nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp đủ điều kiện, để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Còn đối với việc xoá bỏ độc quyền vàng miếng sẽ mất nhiều thời gian hơn 3 - 6 tháng để ra một Nghị định mới.
Bình luận thêm về mức giá tham chiếu đấu thầu vàng, thấp hơn khoảng 3 triệu đồng/lượng so với thị trường, ông Khánh cho biết với bước giá theo thông báo của NHNN và giá thế giới hiện nay khoảng trên 2.300 USD/ounce, rủi ro đối với với các doanh nghiệp dự thầu không quá nhiều.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, việc đấu thầu vàng miếng sẽ giúp tăng nguồn cung vàng SJC, từ đó hạ nhiệt giá vàng trong nước và gián tiếp tác động giảm áp lực lên tỷ giá.
Chuyên gia TS Trương Văn Phước nhận định rằng đấu thầu vàng miếng giúp tăng cung cho thị trường và với một mức cầu không đổi, chắc chắn giá giảm.
"Mặc dù chưa thể khẳng định nhưng một sự chênh lệch 18 - 20 triệu/lượng vàng so với quốc tế là yếu tố và cơ hội để cho hiện tượng dùng ngoại tệ để nhập khẩu vàng", ông nói.
Theo ông, hoạt động nhập khẩu vàng có thể là nguyên nhân khiến tỷ giá chợ đen tăng nhanh và tạo áp lực tâm lý đẩy tỷ giá chính thức đi lên theo.
Trong sáng nay, giá vàng SJC ở chiều mua vào - bán ra đồng loạt điều chỉnh xuống. Thời điểm 8h sáng giá mua vào - bán ra lần lượt là 80,15 - 82,75 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều so với hôm qua. Tuy nhiên, đến gần trưa, giá vàng phục hồi nhẹ lên 80,9 - 83,3 triệu đồng/lượng.