|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Philippines áp thuế chống bán phá giá 11 doanh nghiệp xuất khẩu xi măng Việt Nam

07:52 | 28/12/2022
Chia sẻ
Theo VNCA, có 6 doanh nghiệp xuất khẩu xi măng của Việt Nam không bị áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm xi măng. Và 11 doanh nghiệp khác bị áp thuế chống bán phá giá, cụ thể xi măng từ Việt Nam sẽ phải chịu các mức thuế từ 4 - 28% giá xuất khẩu đối với xi măng OPC và từ 3 - 55% đối với xi măng hỗn hợp.

Thông tin từ Hiệp hội xi măng Việt Nam (VNCA) cho biét ngày 23/12, ông Lương Đức Long, Phó Chủ tịch VNCA đã có văn bản thông báo về kết quả xử lý vụ kiện chống bán phá giá của các nhà xuất khẩu xi măng Việt Nam tại Philippines. 

Theo VNCA, sau khi làm việc, Philippines đồng ý, xi măng của Việt Nam xuất khẩu vào Philippines không gây ra thiệt hại đáng kể đối với các nhà sản xuất xi măng tại nước này và thiệt hại của ngành sản xuất xi măng Philippines còn do những ảnh hưởng khác như đại dịch COVID-19, nhu cầu của thị trường nội địa giảm.

Đây là cơ sở quan trọng để phía Philippines không tiếp tục gia hạn áp thuế tự vệ đối với các sản phẩm xi măng nhập khẩu vào thị trường Philippines (trong đó chủ yếu là xi măng xuất khẩu từ Việt Nam).

Theo kết quả của buổi làm việc, có 6 doanh nghiệp xuất khẩu xi măng của Việt Nam không bị áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm xi măng. Và 11 doanh nghiệp khác bị áp thuế chống bán phá giá, cụ thể xi măng từ Việt Nam sẽ phải chịu các mức thuế từ 4 - 28% giá xuất khẩu đối với xi măng OPC và từ 3 - 55% đối với xi măng hỗn hợp.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu bị áp thuế chống bán phá giá có thể làm đơn khiếu nại gửi Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định áp thuế chống bán phá giá nếu nhận thấy mức thuế chống bán phá giá áp dụng không phản ánh khách quan số liệu sản xuất và bán hàng mà doanh nghiệp đã nộp cho cơ quan điều tra; mức thuế áp dụng không dựa trên biên độ bán phá giá mà Ủy ban thuế quan của Philippine đã tiến hành điều tra và đề xuất áp dụng.

DTI đã đột ngột thay đổi thời kỳ xác định biên độ bán phá giá (1/7/2019 đến 2021) trong quyết định áp thuế so với quyết định khởi xướng của cơ quan này (1/7/2019 - 30/6/2020) và so với báo cáo của Ủy ban Thuế quan (1/7/2019 - 31/12/2020).

Trong trường hợp sau khi thực hiện khiếu nại mà các doanh nghiệp thấy kết quả giải quyết không thỏa đáng, các doanh nghiệp có thể kiện DTI lên tòa án Philippines. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể thông qua Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị Chính phủ Việt Nam tham vấn và kiện Chính phủ Philippines tại WTO. 

Trước đó, đầu năm 2021, một số nhà sản xuất xi măng tại Philippines đã tiến hành khởi kiện các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng từ Việt Nam vào Philippines bán phá giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất xi măng nước này. Ngày 24/4/2021, DTI đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng xi măng có xuất xứ Việt Nam - Thành lập Ủy ban điều tra.

Như Huỳnh