Phiên 8/9: Khối ngoại duy trì bán ròng hơn 400 tỷ đồng, tâm điểm là bộ đôi cổ phiếu VHM và VIC
VN-Index dao động với biên độ lớn trong phiên hôm nay với các nhịp rung lắc mạnh xuất hiện nhiều hơn về cuối phiên. Trong phiên, cổ phiếu của các nhà băng không còn giữ vai trò dẫn dắt như phiên trước đó mà đảo chiều giảm điểm, thậm chí là nhóm gây áp lực lớn nhất lên chỉ số.
Kết phiên, VN-Index giảm 8,29 điểm (0,62%) còn 1.333,61 điểm, HNX-Index tăng 0,8 điểm (0,23%) lên 347,28 điểm, UPCoM-Index giảm 0,36% còn 94,36 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh với tổng giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt 24.080 tỷ đồng, tương đương 842,4 triệu cổ phiếu được giao dịch. Trong đó giá trị giao dịch trên sàn HOSE là 19.580 tỷ đồng, giảm 27% so với phiên trước đó.
Tại sàn HOSE, chiều ban tiếp tục chiếm ưu thế trong giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, theo đó nhóm này rút ròng với quy mô xấp xỉ 446 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 50% so với phiên giao dịch liền trước. Về khối lượng, nhóm này rút ròng 3,2 triệu đơn vị.
Lực xả có phần hạ nhiệt tại cổ phiếu của CTCP Vinhomes là yếu tố chính giúp thu hẹp quy mô bán ròng của khối ngoại. Theo đó, VHM tuy vẫn dẫn đầu tại chiều bán, nhưng giá trị 242 tỷ đồng bán ròng đã giảm hơn 31%. Đối ứng với nhóm này, cá trong trong nước đẩy mạnh mua ròng VHM trong những ngày qua trước ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức năm 2020.
Giao dịch chủ yếu qua kênh thỏa thuận khi trong phiên xuất hiện nhiều lệnh "trao tay" cổ phiếu VHM với tổng cộng 2,56 triệu đơn vị, tương đương hơn 278 tỷ đồng. Nối tiếp, dòng tiền ngoại tập trung rút ròng khỏi cổ phiếu VIC với giá trị 145 tỷ đồng.
Dòng tiền ngoại theo sau rút ròng lần lượt khỏi SSI (81 tỷ đồng), MSN (70 tỷ đồng), VNM (56,8 tỷ đồng), đồng thời bán ròng nhẹ các mã VPB, PLX, STB, BID, HPG....
Trở lại chiều mua, giao dịch tập trung lượng lớn tại nhóm chứng chỉ quỹ nội. Cụ thể, FUEVFVND được mua ròng 70,1 tỷ đồng, theo sau là FUESSVFL với 18,2 tỷ đồng.
Đến với giao dịch cổ phiếu, nhóm ngân hàng vẫn là một trong những tâm điểm mua ròng trong phiên với các đại diện lần lượt là VCB (50,4 tỷ đồng), HDB (38,9 tỷ đồng), LPB (22,5 tỷ đồng), CTG (19,2 tỷ đồng).
Cùng chiều, lực mua nhẹ hơn dưới 30 tỷ đồng được phân bổ tại các cổ phiếu khác trong danh mục như DXG, VND, HSG, NLG...
Trên sàn HNX, áp lực bán mạnh xuất hiện vào cuối phiên khiến khối ngoại chỉ còn mua ròng hơn 8 tỷ đồng, hay 496.626 đơn vị cổ phiếu.
Tuy thu hẹp về quy mô, chiều mua vẫn xuất hiện nhiều mã với giá trị vào ròng trên 1 tỷ đồng. Dẫn đầu là SHS của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (3,8 tỷ đồng). Theo sau, các mã thu hút lực cầu còn có EID (2 tỷ đồng), HUT (1,3 tỷ đồng), NBC (1,1 tỷ đồng), DL1 (1 tỷ đồng).
Tại phía bán ròng, cổ phiếu BII của Louis Land bất ngờ bị chốt lời 3,2 tỷ đồng sau khi đã tăng mạnh trong thời gian gần đây với nhiều phiên tăng kịch trần. Nối tiếp, BCC Xi măng Bỉm Sơn cũng bị rút ròng 1,3 tỷ đồng.
Dòng tiền ngoại theo sau rút ròng với quy mô dưới 1 tỷ đồng khỏi một số cổ phiếu như SRA, VGS, SCI, PHP...
Tại thị trường UPCoM, xu hướng mua ròng được tiếp diễn trong phiên thứ 12 liên tục với quy mô giải ngân gần 31,2 tỷ đông. Về khối lượng, nhóm này mua ròng 721.063 đơn vị.
Diễn biến tại chiều mua có phần sôi động khi khối ngoại tiếp tục rót vốn ròng vào nhiều mã như ACV (9,4 tỷ đồng),, QTP (4,2 tỷ đồng), VEA (4 tỷ đồng).
Theo sau, dòng vốn ngoại tập trung tại QNS (3,4 tỷ đồng), BMS (3,1 tỷ đồng), VTP (2,8 tỷ đồng), đồng thời cũng mua ròng nhẹ hơn loạt cổ phiếu gồm VNA, CLX, MFS, MCH...
Trái lại, BSR của CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn chịu áp lực chốt lời mạnh nhất lên đến 3,9 tỷ đồng. Theo sau, nhóm này chị bán ròng dưới 1 tỷ đồng tại một số cổ phiếu như AMS, GHC, PGB...