|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân rót thêm nghìn tỷ đồng phiên thị trường rung lắc, tâm điểm 'họ Vingroup'

07:17 | 08/09/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index kiểm định không thành công ngưỡng 1.350 điểm, nhà đầu tư cá nhân vẫn mua ròng 1.176 tỷ đồng tính riêng tại HOSE. Bên cạnh tâm điểm là nhóm bất động sản, dòng tiền có xu hướng trở lại với ngành ngân hàng khi các cổ phiếu này đồng loạt 'dậy sóng'.

VN-Index đảo chiều giảm điểm trước áp lực bán dâng cao cuối phiên

Mặc những nỗ lực duy trì sắc xanh của chỉ số trong phần lớn thời gian giao dịch, lực cung tăng nhanh không những khiến nhóm midcaps đánh mất đà hồi phục mà nhóm vốn hóa lớn cũng hạ nhiệt đáng kể.

Đóng cửa phiên 7/9, VN-Index giảm 4,49 điểm (0,33%) còn 1.341,9 điểm, trong đó VN30-Index chỉ còn tăng 2,56 điểm (0,18%) lên 1.444,1 điểm.

Thanh khoản vẫn giữ ở mức cao với 32.873 tỷ đồng, tương đương gần 1,2 tỷ đơn vị cổ phiếu được giao dịch. Tính riêng thanh khoản trên HOSE đạt 26.660 tỷ đồng, giảm 6% so với phiên hôm qua.

Sắc xanh của nhóm ngân hàng không đủ nâng đỡ thị trường khi các nhóm ngành còn lại đồng loạt điều chỉnh. Đặc biệt khi nhóm thép và chứng khoán đánh mất vị thế dẫn dắt và chìm trong sắc đỏ.

Cá nhân - Ảnh 1.

Xu hướng giao dịch theo nhóm nhà đầu tư và biến động của VN-Index trong 20 phiên gần nhất. (Nguồn: FiinPro).

Ghi nhận trong phiên, giao dịch khối ngoại có phần kém khả quan khi duy trì bán ròng với quy mô gấp đôi phiên trước với 802 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch qua khớp lệnh là 545 tỷ đồng. Đồng thuận với khối ngoại, tổ chức trong nước cũng bán ròng 490 tỷ đồng khớp lệnh.

Kiên trì với vị thế lực cầu chính cho thị trường, nhà đầu tư cá nhân mở rộng quy mô mua ròng lên 1.176 tỷ đồng, trong đó mua qua khớp lệnh là 973 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với phiên mở cửa tuần.

Dòng tiền duy trì tại nhóm bất động sản, tìm kiếm cơ hội ở nhóm ngân hàng

Thống kê qua kênh khớp lệnh của NĐT cá nhân, nhóm bất động sản tiếp tục là tâm điểm thu hút lượng lớn dòng tiền cá nhân tuy lực cầu có dấu hiệu hạ nhiệt sau những phiên mua ròng nghìn tỷ. Về giá trị cụ thể, nhóm này được vào ròng 675 tỷ đồng, đánh dấu phiên thứ 3 liên tiếp dẫn dắt chiều mua.

Khi phần lớn cổ phiếu đồng loạt điều chỉnh, nhà đầu tư có xu hướng quay lại tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nhóm ngân hàng. Đây cũng là sắc xanh nổi bật trong phiên, đóng góp hơn 6 điểm cho VN-Index trước áp lực bán trên diện rộng.

Cá nhân - Ảnh 2.

Giao dịch theo nhóm ngành của NĐT cá nhân. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Chiều ngược lại, giao dịch bán ròng xuất hiện tại 6/18 nhóm ngành, trong đó áp lực bán chủ yếu được ghi nhận ở nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp với 123 tỷ đồng, đánh dấu phiên rút ròng thứ 3 liên tục. Bên cạnh đó, các cổ phiếu hóa chất và tài nguyên cơ bản cũng chịu lực xả nhẹ dưới 50 tỷ đồng.

Tâm điểm mua ròng là bộ đôi "họ" Vingroup cùng nhiều bluechips

Xét giao dịch cụ thể theo từng mã, bộ đôi cổ phiếu nhóm Vingroup tiếp tục "thống trị" danh mục mua ròng của các cá nhân.

Cụ thể, cổ phiếu VHM của Vinhomes được mua ròng 443 tỷ đồng, còn VIC thu hút 101 tỷ đồng. Diễn biến trên thị trường có phần trái ngược khi VHM ghi nhận phiên tăng điểm thứ ba, còn VIC có phần ảm đạm khi đánh mất 1,16% giá trị trong phiên 7/9.

Đáng chú ý, Tập đoàn Vingroup mới đây đã hoàn tất bán ra gần 100,5 triệu cổ phiếu VHM, qua đó giảm tỷ lệ nắm giữ tại Vinhomes xuống còn 66,66% vốn. Ước tính, tập đoàn đã thu về trên 10.970 tỷ đồng từ giao dịch.

Trở lại diễn biến trên thị trường, SSI của Chứng khoán SSI bất ngờ được mua ròng gần 90 tỷ đồng với mức thanh khoản cao nhất trong vòng 7 phiên gần đây, đạt 24,5 triệu đơn vị.

Cùng chiều, dòng tiền trở lại mua ròng một số đại diện lớn của các nhà băng như MBB, VPB, TCB, đồng thời mua ròng loạt bluechips gồm MSN, FPT, NVL...

Cá nhân - Ảnh 3.

Cổ phiếu được NĐT cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh sàn HOSE. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Trở lại phía bán ròng, APH của An Phát Holdings vẫn là cái tên bị xả ròng mạnh nhất 100,5 tỷ đồng. Mặc dù mở cửa ở mức giá trần, APH dần đành mất xung nhịp tăng và đóng cửa tại mức sàn 51.400 tỷ đồng.

Theo sau APH, lực rút ròng phân bổ với giá trị dưới 40 tỷ đồng tại một số mã như HSG, DCM, VCI, TVB... Mặc dù là sắc xanh "đơn độc" của thị trường, một số mã ngân hàng vẫn chịu áp lực bán ròng nhẹ về cuối phiên (VCB, STB, LPB...) trong đó VCB là cổ phiếu nhà băng duy nhất đóng cửa tại mức tham chiếu.

Thảo Bùi