Phiên 28/2: Khối ngoại bán ròng hơn 7 triệu cp HPG trong phiên cổ phiếu thép tăng mạnh
Sắc tím trần được lan tỏa ở các nhóm thép, dầu khí, hóa chất, bất chấp áp lực điều chỉnh của thị trường chung. Lực cản chính của VN-Index vẫn đến từ các bluechips như PNJ, VJC, PDR, VIC, POW. Trong khi nỗ lực gồng đỡ thuộc về HPG, FPT, MBB, GVR, TPB.
Đóng cửa, VN-Index giảm 8,76 điểm (0,58%) còn 1.490 điểm, HNX-Index tăng 0,26 điểm (0,06%) lên 440,42 điểm, UPCoM-Index giảm 0,46 điểm (0,32%) còn 112,3 điểm.
Thanh khoản thị trường suy giảm cho thấy dòng tiền vẫn đang lo ngại trước tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt trên 28.058 tỷ đồng, tương đương hơn 902 triệu đơn vị cổ phiếu được mua bán. Tính riêng trên HOSE thì thanh khoản đạt 23.580 tỷ đồng, giảm 8% so với phiên thứ Sáu tuần trước.
Tại sàn HOSE, áp lực rút ròng của khối ngoại bị đẩy mạnh lên mức 797 tỷ đồng, tăng đáng kể so với phiên trước đó trong bối cảnh căng thẳng chính trị vẫn chưa hạ nhiệt. Tương tự, khối lượng mua ròng cũng tăng lên gần 17,9 triệu đơn vị.
Về giá trị cụ thể, khối ngoại chốt lời mạnh nhất ở cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát với giá trị 353 tỷ đồng, áp đảo so với những mã còn lại trong danh mục. Giao dịch diễn ra giữa lúc các cổ phiếu nhóm thép đồng loạt tăng điểm, có mã tăng kịch biên độ. Với mức tăng 2,83%, HPG trở thành cổ phiếu tác động tích cực nhất tới VN-Index trong phiên.
Nối tiếp, dòng vốn ngoại rút ròng mạnh khỏi nhóm cổ phiếu ngân hàng với một số đại diện lần lượt là CTG (121 tỷ đồng), HDB (53,7 tỷ đồng), LPB (47,7 tỷ đồng). Tương tự, cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc, xây dựng cũng chịu áp lực bán chủ yếu, với VIC (106 tỷ đồng), KBC (58 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, danh mục bán của khối ngoại cũng có sự xuất hiện của các mã POW (52,8 tỷ đồng), GEX (49,1 tỷ đồng), GAS (48,5 tỷ đồng), PNJ (48,5 tỷ đồng).
Ngược lại, ở chiều mua, chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND là mã được mua ròng nhiều nhất. Mã này thu hút hơn 140 tỷ đồng vốn ngoại, và là mã duy nhất được mua gom với giá trị lên tới 9 chữ số.
Trở lại thị trường cổ phiếu, dòng vốn ngoại lần lượt tìm đến các đại diện gồm NLG (57,8 tỷ đồng), TPB (44,5 tỷ đồng), VRE (29,8 tỷ đồng), STB (27,4 tỷ đồng).
Trong nhóm thép, HSG của Tập đoàn Hoa Sen là tâm điểm thu hút lực cầu ngoại với 18,4 tỷ đồng, khiến mã này đóng cửa trong sắc tím trần. Một số cổ phiếu được mua ròng với quy mô nhỏ hơn còn có VND, DCM, DIG, DGC...
Tương tự, trên sàn HNX, nhà đầu tư ngoại cũng bán ròng với quy mô 19,6 tỷ đồng, tương đương 633.426 bị xả ròng trong phiên thứ 4 liên tiếp.
Về giá trị cụ thể, cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG tiếp tục thu hút phần lớn lượng bán ròng với 17,2 tỷ đồng. Mã này đã liên tục bị rút ròng kể từ đầu tháng. Khối ngoại theo sau bán ròng 2,2 tỷ đồng mã PVS, trước khi rút ròng nhẹ hơn khỏi VCS, CEO, PVC, PVG...
Chiều ngược lại, cổ phiếu SCI là mã duy nhất thu hút trên 1 tỷ đồng vốn ngoại. Nhóm này theo sau mua gom nhẹ hơn ở các mã THD, SHS, BAX, LHC...
Tại thị trường UPCoM ghi nhận giao dịch tích cực hơn HOSE và HNX khi khối ngoại mua ròng hơn 16,1 tỷ đồng. Về khối lượng, nhóm này rót ròng vào 631.423 đơn vị cổ phiếu.
Theo đó, cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn là mã được mua ròng nhiều nhất với quy mô 18 tỷ đồng. Nối tiếp, nhóm này mua ròng lần lượt MML (1,6 tỷ đồng) và WSB (1,3 tỷ đồng), trước khi rót vốn nhẹ hơn vào các mã EIC, ACV, NTC...
Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư ngoại chỉ rút ròng chủ yếu khỏi bộ ba cổ phiếu gồm QNS (4,4 tỷ đồng), VTP (2,7 tỷ đồng) và LTG (2,2 tỷ đồng). Một số mã ghi nhận giao dịch cùng chiều phải kể đến như SIP, MKP, VLC...