Cổ phiếu ngân hàng gia tăng sức ép lên thị trường, VPB tiếp tục khớp lệnh khủng
Cùng với nhóm bất động sản, cổ phiếu ngân hàng gia tăng sức ép khiến VN-Index giảm mạnh và thủng 1.490 điểm ngay từ phiên sáng. Tuy nhiên, lực cầu sôi động từ nhóm thép, dầu khí, hoá chất đã nhập cuộc và bảo vệ thành công mốc quan trọng này.
Ngân hàng là một trong những lực cản lớn nhất của thị trường với mức ảnh hưởng giảm lên Index là 4,7 điểm, tương đương tỷ lệ 0,31%.
Sau khi lội ngược dòng trong hai phiên cuối tuần trước, cổ phiếu EIB lại quay đầu giảm điểm khi mất 3% giá trị. Hiện mã này đang giao dịch tại 33.850 đồng/cp, cách đỉnh lịch sử khoảng 12%.
Hầu hết các bluechip trong ngàng cũng chìm sâu trong sắc đỏ, điển hình như CTG (2,1%), BID (1,9%), HDB (1,5%), ACB (1,3%)... Các cổ phiếu trên sàn HNX và thị trường UPCoM cũng không tránh khỏi áp lực bán, tuy nhiên biên độ dao động không quá 3%.
Đáng chú ý, cổ phiếu VPB tiếp tục vượt STB về thanh khoản với hơn 21 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Trong phiên giao dịch gần nhất (25/2), 50 triệu cổ phiếu VPB được trao tay, ghi nhận khối lượng theo ngày lớn nhất kể từ đầu tháng 6 và gấp gần 2,8 lần mức bình quân 10 phiên gần nhất.
Bên bán chiếm hoàn toàn ưu thế trong phiên hôm nay với giá trị giao dịch toàn ngành chỉ đạt 4.028 tỷ đồng, tập trung qua kênh khớp lệnh.
Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng gần 185 tỷ đồng cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, dòng tiền tập trung chốt lời tại các cổ phiếu CTG (122 tỷ đồng), HDB (54 tỷ đồng), LPB (48 tỷ đồng)... Tuu nhiên, các mã TPB và STB tiếp tục được giải ngân với giá trị mua ròng lần lượt là 45 tỷ đồng và 28 tỷ đồng.
Trong hội thảo "Triển vọng đầu tư năm 2022 - FiinGroup Invest Summit", chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường nhận định trong 2 tháng đầu năm, mặc dù giá cổ phiếu ngân hàng tăng như tỷ trọng dòng tiền không tăng, thậm chí ở mức thấp so với vị thế cổ phiếu vua.
Để thu hút dòng tiền, cổ phiếu ngân hàng cần có cú hích, trong đó kỳ đại hội cổ đông tới đây là bản lề thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Thực tế, cổ phiếu ngân hàng tăng khá tốt từ đầu năm do những thông tin rò rỉ về kế hoạch kinh doanh và câu chuyện M&A trong ngành.