|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 20/9: Khối ngoại mua ròng tại HOSE, chấm dứt chuỗi 16 phiên bán ròng liên tiếp

17:56 | 20/09/2021
Chia sẻ
Trong phiên đầu tuần (20/9), giao dịch khối ngoại trở thành điểm sáng của thị trường khi nhóm này trở lại mua ròng tại HOSE sau chuỗi 16 phiên bán ròng trước đó. Dòng tiền ngoại tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng với các đại diện VCB, MBB, STB.

Trong phiên đầu tuần, thị trường nỗ lực duy trì sắc xanh trong phần lớn thời gian giao dịch. Thế nhưng toàn bộ nỗ lực tăng điểm lại bị đánh đổ chỉ trong 15 phút cuối phiên ATC trước đà chốt lời mạnh ở nhóm vốn hóa nhỏ và vừa. Điểm tích cực là VN-Index vẫn giữ được mốc 1.350 điểm lúc kết phiên.

Kết phiên, VN-Index giảm 2,16 điểm (0,16%) còn 1.350,48 điểm, HNX-Index tăng 0,9 điểm (0,25%) lên 358,87 điểm, UPCoM-Index tăng 0,05 điểm (0.05%) lên 97,45 điểm.

Giá trị giao dịch trên toàn thị trường phiên hôm nay đạt 31.473 tỷ đồng, tương đương hơn 1,2 tỷ cổ phiếu được mua - bán. Trong đó thanh khoản sàn HOSE là 24.533 tỷ đồng, giảm 5,5% so với phiên trước.

Trên sàn HOSE, giao dịch khối ngoại bất ngờ trở thành điểm sáng khi nhóm này trở lại mua ròng nhẹ 53,59 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi 16 phiên bán ròng tại HOSE. Về khối lượng, nhóm này mua ròng 1.924.500 đơn vị.

Phiên 20/9: Khối ngoại mua ròng tại HOSE, chấm dứt chuỗi 16 phiên bán ròng liên tiếp - Ảnh 1.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Cổ phiếu VCB của Vietcombank được khối ngoại sàn HOSE mua ròng mạnh nhất với 107 tỷ đồng. Trong phiên, giao dịch tích cực của VCB khiến mã này có lúc tăng hơn 3%, đóng cửa đóng góp 2,3 điểm cho đà tăng của VN-Index. Dòng tiền ngoại cũng trở lại một số cổ phiếu nhà băng trong phiên nổi sóng dẫn dắt thị trường như MBB (68,1 tỷ đồng), STB (62 tỷ đồng)...

Nối tiếp, nhóm này cũng gom ròng gần 94 tỷ đồng mã VNM của Vinamilk. Mới đây, cổ đông lớn tại Vinamilk là F&N Dairy Investment Pte. Ltd. đã đăng ký mua vào 20,9 triệu cp VNM từ ngày 22/9 đến ngày 21/10 sau khi không hoàn tất giao dịch trước đó. Nếu hoàn tất, F&N Dairy Investment sẽ nâng sở hữu tại VNM lên mức 18,69% (tương đương 390,6 triệu đơn vị).

Cùng chiều, các cổ phiếu tập trung lực mua ròng mạnh còn có VCI, KDH, VRE, VND, PHR, VHC...

Phiên 20/9: Khối ngoại mua ròng tại HOSE, chấm dứt chuỗi 16 phiên bán ròng liên tiếp - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Mặc dù mua ròng VRE, khối ngoại lại rút ròng hơn 163 tỷ đồng khỏi cổ phiếu cùng họ là VIC của Vingroup. Lực xả liên tiếp trong thời gian gần đây khiên cổ phiếu VIC đánh dấu phiên giảm giá thứ 4 liên tục. đóng cửa ở 86.700 đồng/cp.

Cùng chiều, khối ngoại rút ròng khỏi NVL (43,9 tỷ đồng), HSG (36,6 tỷ đồng). Đáng chú ý, cổ phiếu HSG chịu mức điều chỉnh lên tới 4,26% sau khi đã tăng giá khá mạnh và vượt đỉnh lịch sử trong tuần giao dịch trước đó.

Theo sau, một số mã cũng bị khối ngoại xả ròng dưới 30 tỷ đồng còn có DGC, NKG, DRC, DIG, HPG, BMI...

Tại sàn HNX, khối ngoại bán ròng trở lại hơn 27 tỷ đồng sau phiên mua ròng đột biến cuối tuần trước, tương ứng khối lượng bán ròng là 732.676 cổ phiếu.

Giao dịch bán ròng tập trung lớn nhất tại cổ phiếu PLC của Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex khi mã này bị xả lên tới 19,2 tỷ đồng. Theo sau, đà bán ròng xuất hiện tại VNR (6,2 tỷ đồng), PVG (2,1 tỷ đồng) và BTS (1,9 tỷ đồng). Dòng vốn ngoại cũng rút ròng nhẹ hơn với quy mô dưới 1 tỷ đồng khỏi các cổ phiếu SDT, LAS, SED...

Chiều ngược lại, cổ phiếu VCS của Vicostone và DL1 của CTCP Tập đoàn Alpha Seven là hai mã duy nhất được vào ròng trên 1 tỷ đồng trong phiên. Đáng chú ý, lực cầu tăng mạnh khiến DL1 tăng trần ngay từ giữa phiên sáng và duy trì mức giá trần trong suốt phiên.Một số mã được mua ròng nhẹ hơn là KLF, PVC, DST...

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại chấm dứt chuỗi 19 phiên mua ròng liên tiếp bằng phiên bán ròng trở lại 1,9 tỷ đồng. Tuy vậy, nếu xét về khối lượng thì nhóm này vẫn mua ròng 1,4 triệu cổ phiếu.

Ở phía bán ròng, cổ phiếu bị rút ròng mạnh nhất vẫn là QNS của Đường Quảng Ngãi với 14 tỷ đồng. Cùng chiều, các mã tập trung lực xả lớn còn có VEA (1,9 tỷ đồng) và HPP (1,1 tỷ đồng), MPC (811 triệu đồng)...

Trái lại, nhóm này mua ròng nhiều nhất mã TV6 của CTCP Thương mại Đầu tư xây lắp điện Thịnh Vượng (13 tỷ đồng). Nối tiếp, nhóm này cũng rót vốn ròng vào nhiều cổ phiếu như HHV (2,6 tỷ đồng), EVF (1,4 tỷ đồng), BSR (1 tỷ đồng), VTP (870 triệu đồng)...

Thảo Bùi

[LIVE] ĐHĐCĐ Vietcombank: Dư nợ cho CBBank vay 10.000 tỷ năm 2022 đã giảm về 1.000 tỷ vào cuối quý I
Ngân hàng dự kiến sẽ trình phương án tiếp tục dùng lợi nhuận của năm 2023 để chia cổ tức. Tuy nhiên, việc chia cổ tức theo hình thức nào (cổ phiếu hay tiền mặt) cần sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.