Phiên 19/4 VN-Index giảm mạnh nhất châu Á, vì đâu nên nỗi?
VN-Index giảm mạnh nhất châu Á phiên 19/4
Phiên giao dịch ngày 19/4 tiếp tục chứng kiến thị trường chứng khoán "tắm máu" khi VN-Index giảm đến gần 44 điểm về 1.094,63 điểm. Mức giảm này lớn thứ hai trong năm chỉ sau phiên 5/2 với VN-Index giảm 5,1% về 1.048,71 điểm. So với các thị trường châu Á thì VN-Index của Việt Nam là chỉ số giảm mạnh nhất trong ngày 19/4.
Trong phiên khối ngoại bán ròng tổng cộng 317 tỷ đồng trên cả hai sàn, trong đó bán ròng hơn 315 tỷ đồng trên HOSE và gần 2 tỷ đồng trên sàn HNX.
Với hai phiên giảm điểm liên tiếp, VN-Index mất tổng cộng 5,08%, trong đó tác động chủ yếu đến từ các mã lớn dấy lên lo ngại về áp lực giải chấp margin. Thanh khoản tăng mạnh 30% so với phiên trước đó.
Nhân tố chính kéo chỉ số đi xuống trong phiên hôm nay bắt nguồn từ các mã trụ như VIC, MSN, PLX nằm sàn, thậm chí trắng bên mua. Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng với VCB, CTG, BID có mức giảm gần 6% cùng SAB gần 7% cũng góp phần vào phiên "tắm máu" của thị trường.
Các nhân tố chính kéo chỉ số VN-Index lao đốc phiên 19/4 (Nguồn: VNDirect) |
Phiên 19/4 là hệ luỵ của một quá trình, vì đâu?
Sau phiên VN-Index giảm mạnh nhất khu vực châu Á, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư của CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng.
Ông Phan Dũng Khánh |
Ông Khánh nhận định thị trường lao dốc diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đón nhận nhiều tin tốt như thông tin về GDP tăng trưởng vược bậc, Mỹ muốn tái gia nhập TPP hay việc các doanh nghiệp đều báo cáo kết quả kinh doanh khả quan.
Song phiên 19/4 là hệ luỵ của một quá trình khi VN-Index có dấu hiệu lao dốc từ nhiều phiên trước đó. Từ cuối năm 2017 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng mạnh nhất thế giới, tuy nhiên số lượng mã giảm chiếm 58% toàn thị trường. Có nghĩa thực chất số lượng người lỗ nhiều hơn lãi.
Chỉ số VN-Index tăng mạnh nhất thế giới trong 6 tháng qua (Nguồn: Indexq.org) |
Theo quan điểm của ông Khánh, có thể nói thị trường đã giảm từ đầu năm nhưng nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng với các bluechips như VIC, MSN, GAS... hỗ trợ chỉ số chứ bản chất thị trường không tăng.
Thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) có xu hướng bán ròng từ đầu tháng 2 đến nay. Việc bán ròng một vài phiên thì gọi là bán kỹ thuật nhưng NĐTNN đã bán ròng đến hai tháng thì đây đã trở thành xu hướng.
Việc dòng tiền của NĐTNN cũng không hẳn tác động quá mạnh đến thị trường song cũng là lực đỡ. Bên cạnh đó, khối ngoại liên tục bán ròng đã ảnh hưởng phần nào đến tâm lý nhà đầu tư, trở nên bất an và rụt rè.
Thứ ba, khối lượng giao dịch nhiều nhất lịch sử ở thị trường chứng khoán Việt Nam lại rơi vào khoảng tháng 1/2018. Tuy nhiên kể từ thời điểm đó trở đi thì giảm dần đều. Song nhiều nhà đầu tư vẫn thấy giá trị giao dịch vẫn ở mức cao, tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng, dòng bluechips.
Lực mua giảm dần, nhà đầu tư không quá mặn mà, vì vậy chỉ cần nhà đầu tư bán ra hơi nhiều sẽ ảnh hưởng lớn đến chỉ số. Hay chỉ cần nhóm ngân hàng yếu đi, không dẫn dắt thì đã chứng kiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm mạnh như vừa qua.
Một nguyên nhân nhỏ cũng tác động phần nào đến thị trường chứng khoán là việc thị trường tiền số liên tục lao dốc cùng với các vụ lừa đảo như iFan hay trước đó là vụ Bitconnect là lớn nhất ở thị trường nước ngoài. Theo ông Khánh, khả năng số lượng nạn nhân Việt Nam tham gia vào Bitconnect còn cao hơn iFan do quy mô của Bitconnect lớn hơn và giao dịch ở tầm quốc tế.
Ông Khánh cũng cho biết, số nhà đầu tư chứng khoán và bất động sản đổ tiền vào thị trường tiền kỹ thuật số không hề nhỏ, do đó sau các scandal tiền ảo khiến nhà đầu tư bán ra tài sản khác để bù lỗ. Đây cũng là một phần yếu tố tác động lên thị trường chứng khoán.
Tháng "Sell in May", VN-Index trông chờ gì?
Ông Khánh cho biết ba năm từ 2015 - 2017 thì ba tháng 5 đó thị trường chứng khoán đều tăng điểm. Nếu tháng 4 đóng cửa ở mức giảm lớn thì sang tháng 5 ông Khánh dự báo VN-Index có thể phục hồi lại. Do đó, nhà đầu tư không cần quá lo sợ.
Trước dịp nghỉ lễ, nhà đầu tư có xu hướng bán ra, song với trường hợp này thì "hiệu ứng ngày thứ Sáu" không hẳn là chính xác khi diễn ra sớm cả vài tuần.
Việc thị trường giảm có xu hướng mạnh hơn khi nhóm ngân hàng cùng một số cổ phiếu vốn hoá lớn không còn là trụ đỡ, về mặt trung hạn thị trường có thể sẽ xấu hơn. Do đó, yếu tố quan trọng quyết định đà tăng của thị trường chứng khoán trong tháng 5 phụ thuộc việc NĐTNN có tiếp tục bán ròng hay không, hay thanh khoản thị trường có cải thiện, bên cạnh một số yếu tố vĩ mô hỗ trợ.
Ông Khánh nhận định giá cổ phiếu chỉ lên được khi có dòng tiền, khi NĐTNN mua ròng. Dù dòng tiền khối ngoại không tác động quá lớn đến thị trường nhưng sẽ tác động đến tâm lý nhà đầu tư.
Nhận định thị trường chứng khoán 20/4: Tiếp tục chao đảo? |