Nhìn lại những phiên giảm kỷ lục của VN-Index, thổi bay hàng tỷ USD vốn hoá
"Ngày thứ Hai đen tối" 5/2/2018, VN-Index giảm 5,1%
Hơn 3 năm qua thị trường chứng khoán Việt Nam mới chứng kiến phiên đen tối của VN-Index khi kết phiên giảm 5,1% về 1.048,71 điểm, ghi nhận là ngày kỷ lục thứ hai sau sự kiện biển Đông thổi khiến VN-Index giảm sâu. Vốn hoá thị trường bị thổi bay hơn 189.000 tỷ đồng (tương đương hơn 8,3 tỷ USD).
Hàng trăm mã giảm sàn từ cổ phiếu trụ đến dòng penny trong đó riêng VN30 đóng góp đến 13 cổ phiếu sàn.
Bảng giá chứng khoán (Nguồn: VNDirect) |
Chỉ số giảm kỷ lục hơn 3,5 năm trở lại đây dù không hề có sự kiện chính trị hay tin đồn nào. Việc chỉ số giảm sâu bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân trong đó dòng tiền đã có dấu hiệu suy yếu từ vài phiên trước khi khối ngoại lần đầu bán ròng trên HOSE trong tháng 1/2018 vào phiên 29/1. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường cạn kiệt vài phiên trở lại đây khi phiên 2/2 giảm từ trên 12.000 tỷ đồng xuống còn chưa đến 7.200 tỷ đồng.
Áp lực chốt lời trước Tết nguyên đán cũng như thông tin lùi ngày nâng ký quỹ ban đầu từ 50% lên 60% sang ngày 1/3 cũng góp phần kéo chỉ số giảm sâu.
Không chỉ chịu áp lực thì nhiều thông tin trong nước mà ngay cả thị trường chứng khoán quốc tế từ Mỹ, Anh đến Trung Quốc, Nhật Bản cũng chứng kiến phiên đổ máu do lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm đỉnh 4 năm cũng như thông tin xoay quanh việc Fed có tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ hay không.
Thị trường giảm hơn 55 điểm, nhà đầu tư trong nước có đang phản ứng thái quá? |
Phiên sáng 24/8/2015, thị trường "vỡ trận"
Chốt phiên sáng, VN-Index mất 28,57 điểm, tương đương 5,14%. Toàn thị trường ghi nhận 150 cổ phiếu giảm sàn trong tổng số 414 cổ phiếu giảm giá, VN30 có 12 mã giảm sàn.
Không chỉ riêng thị trường Việt Nam mà thị trường toàn cầu cũng đỏ rực trong đó chứng khoán Trung Quốc phá đáy tháng 7 với mức giảm 8,45%. Bên cạnh đó, thị trường đón nhận tin không vui từ những diễn biến giá dầu thế giới. Giá dầu thô WTI giảm xuống dưới mốc 40 USD lần đầu tiên kể từ năm 2009.
Tính đến hiện tại thì sự kiện biển Đông khiến VN-Index giảm sâu nhất 5,87%, tiếp đó là ngày 5/2/2018 (Ảnh minh hoạ) |
Sự kiện biển Đông ngày 8/5/2014 khiến VN-Index giảm kỷ lục 5,87%
Ngày 8/5/2014, VN-Index mất 32,88 điểm (5,87%) còn HNX-Index bay hơn 4,9 điểm (6,4%) với 344 cổ phiếu giảm sàn và được cho là phiên giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử thị trường.
Nguyên nhân chính được cho là những căng thẳng leo thang về chính trị biển Đông gây tâm lý lo sợ cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư đồng loạt bán tháo, thậm chí đến ngày 12/5/2014, VN-Index lại tiếp tục giảm 25,41 điểm (4,68%).
Tin đồn Trần Bắc Hà bị bắt ngày 21/2/2013, VN-Index mất 3,66%
Phiên 21/2/2013, VN-Index mất 18,1 điểm (3,66%) xuống còn 476,73 điểm. Nguyên nhân chính liên quan đến tin đồn bắt bớ nhiều lãnh đạo, trong đó có ông Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lan tỏa khắp thị trường.
Bầu Kiên bị bắt, VN-Index giảm 10% từ ngày 21 - 23/8/2012
Cũng liên quan tới việc bắt bớ, vào phiên 21/8/2012 thông tin ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) - cựu Thành viên Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã: ACB) bị bắt làm nhà đầu tư hoảng loạn, liên tục bán tháo mạnh khiến VN-Index chốt phiên giảm 20,44 điểm (4,67%), HNX-Index giảm 3,7 điểm (5,24%).
Thông tin bầu Kiên bị bắt khiến đã tác động mạnh đến nhóm cổ phiếu ngân hàng khiến 8/9 cổ phiếu ngân hàng niêm yết lúc đó đều đỏ lửa, VN30 có đến 25 mã giảm sàn, nhiều bluechip trắng bên mua và dư bán sàn hàng loạt.
Sự kiện này ảnh hưởng đến thị trường tới tận ngày 23/08/2012, VN-Index tiếp tục giảm 17,41 điểm (4,24%) xuống 392,82 điểm.
Chỉ trong ba phiên từ 21 - 23/8/2014, VN-Index đã giảm 10,2% so với ngày 20/8 khiến vốn hoá thị trường bốc hơi khoảng 80.200 tỷ đồng (khoảng 3,5 tỷ USD).
"Ngày đen tối" 21/2/2011, VN-Index "bốc hơi" hơn 4%
Ngày 21/2/2011, chỉ số VN-Index đóng cửa ở 483,68 điểm, giảm 20,24 điểm (4,02%), trong đó 10 mã vốn hoá lớn nhất thị trường thì có đến 8 mã sàn.
Chỉ số giảm điểm trong bối cảnh Chính phủ thông qua việc thắt chặt chỉ tiêu, hạ tỷ lệ tăng trưởng tín dụng từ 23% về 20%, thậm chí cho phép đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng xuống dưới 20% trong điều kiện cần thiết.
Bên cạnh đó, thông tin tăng giá điện 15,28% kể từ 1/3/2011, tình hình giá xăng thấp thỏm điều chỉnh cùng với giá vàng liên tục tục leo thang khiến dòng tiền ồ ạt tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán.