|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 18/8: Khối ngoại nâng quy mô bán ròng gần 1.890 tỷ đồng trong phiên thị trường biến động

17:02 | 18/08/2021
Chia sẻ
Trong phiên 18/8, nhà đầu tư nước ngoài gia tăng lên mức gần 1.890 tỷ đồng khiến VN-Index lùi về 1.360,94 điểm. Áp lực bán ròng tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechips, với tâm điểm là VHM, chứng chỉ ETF FUEVFVND, SSI.

Thị trường rung lắc cực mạnh trước phiên đáo hạn phái sinh tháng 8. VN-Index biến động trong biên độ lớn về cuối phiên, sau pha bật mạnh chỉ số lại cắm đầu giảm sâu và cân bằng trở lại khi đóng cửa.

Kết phiên, VN-Index giảm 2,15 điểm (0,16%) còn 1.360,94 điểm, HNX-Index tăng 1,71 điểm (0,5%) lên 344,82 điểm, UPCoM-Index tăng 0,3% lên 94,48 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch trên toàn thị trường là 922 triệu đơn vị, tương đương 30.184 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên HOSE giảm hơn 5% so với phiên hôm qua (17/8), còn 24.407 tỷ đồng.

Tại HOSE, áp lực xả chưa có dấu hiệu giảm khi liên tục gia tăng qua mỗi phiên. Theo thống kê, nhà đầu tư nước ngoài xả hơn 1.886 tỷ đồng trong phiên 18/8, bán ròng về khối lượng 35,2 triệu cổ phiếu.

Phiên 18/8: Khối ngoại nâng quy mô bán ròng gần 1.890 tỷ đồng trong phiên thị trường biến động - Ảnh 1.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Phiên 18/8 tiếp tục đánh dấu chuỗi xả ròng của khối ngoại đối với cổ phiếu của Vinhomes. Mã VHM bị bán ròng 444 tỷ đồng, tiếp tục dẫn đầu tại chiều bán.

Áp lực chốt lời chưa hạ nhiệt khiến VHM tiếp tục mất đi 0,9% giá trị, đóng cửa ở 110.000 đồng/cp. Sau khi hai cổ đông lớn đăng ký bán cổ phiếu tại vùng đỉnh, VHM đã giảm điểm trong ba phiên liên tục, tương ứng mức giảm gần 11% từ vùng đỉnh.

Theo sau, chứng chỉ ETF FUEVFVND bất ngờ bị rút ròng 301,4 tỷ đồng, tương ứng hơn 11,6 triệu đơn vị. Trong phiên FUEVFVND ghi nhận khối lượng giao dịch hơn 12,4 triệu đon vị, là mức cao nhất kể từ đầu năm 2021.

Một cổ phiếu khác cũng ghi nhận áp lực bán mạnh là SSI của Chứng khoán SSI. Mã này bị rút ròng 267,8 tỷ đồng trong phiên, tương ứng hơn 4,3 triệu cổ phiếu. Ngày 18/8 cũng là thời gian Daiwa Securities Group Inc. đăng ký bán 15,3 triệu cổ phiếu SSI, do đó nhiều khả năng nhà đầu tư Nhật Bản trên đã bắt đầu giao dịch.

Nhóm tập trung lực bán mạnh còn có VNM (163,2 tỷ đồng) và VIC (118,3 tỷ đồng). Theo sau, nhiều cổ phiếu bluechips bị bán ròng dưới 100 tỷ đồng như NVL (88,5 tỷ đồng), VCB (62,1 tỷ đồng), HPG (54,2 tỷ đồng), MSN (49,9 tỷ đồng), VRE (46,2 tỷ đồng).

Phiên 18/8: Khối ngoại nâng quy mô bán ròng gần 1.890 tỷ đồng trong phiên thị trường biến động - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở chiều mua vần ghi nhận giao dịch kém sôi nổi khi không có cổ phiếu nào được mua ròng với giá trị trên 20 tỷ đồng.

Cụ thể, VHC của CTCP Vĩnh Hoàn là mã được mua ròng nhiều nhất 18 tỷ đồng. Kể từ ngày 12/8, VHC đã liên tục giữ được sắc xanh, đóng cửa phiên 18/8 ở mức 47.600 tỷ đồng tương đương mức tăng 10,96% sau 5 phiên.

Mặc dù có lúc giảm gần sàn, cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng hồi phục mạnh về cuối phiên và tăng 5,75%. Ghi nhận trong phiên, khối ngoại mua ròng 11,5 tỷ đồng mã này, tương ứng khối lượng 342.500 đơn vị cổ phiếu.

Cùng chiều, nhiều cổ phiếu được mua ròng với giá trị dưới 10 tỷ đồng, lần lượt gồm có MIG (8,4 tỷ đồng), SZC (5,4 tỷ đồng), E1VFVN30 (5,2 tỷ đồng), nối tiếp là DGW, DHC, CRE, DGC, KBC.

Trên sàn HNX, tương quan giữa chiều mua/bán là 88,1 tỷ đồng/128,7 tỷ đồng. Theo đó, khối ngoại tiếp tục xu hướng trong những phiên trước khi bán ròng 40,6 tỷ đồng.

Chiều bán ròng vẫn đánh dấu sự góp mặt của cổ phiếu VND (49,2 tỷ đồng). Lực xả xuất hiện trong gần 10 phiên gần đây, đặc biệt được đẩy mạnh sau ngày VNDirect niêm yết bổ sung hơn 213 triệu cổ phiếu.

Cùng chiều, lực bán tập trung tại các mã DXP (6,3 tỷ đồng), BVS (3,4 tỷ đồng), SHS (2,1 tỷ đồng). Những cổ phiếu bị bán ròng nhẹ hơn lần lượt là BII, IDJ, IVS, DTD, SCI...

Trái ngược, chiều mua ròng được cải thiện với nhiều cổ phiếu được mua ròng trên 1 tỷ đồng. PVS là mã thu hút dòng tiền ngoại lớn nhất với 5,4 tỷ đồng, theo sau là THD (4,7 tỷ đồng), PAN (3,8 tỷ đồng), TVB (1,2 tỷ đồng), VCS (1 tỷ đồng).

Tại thị trường UPCoM, giao dịch vẫn diễn ra trái ngược với thị trường chung khi nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giải ngân ròng 41,5 tỷ đồng, theo đó mua ròng về khối lượng 764.567 đơn vị.

Lực mua lớn nhất tập trung ở CTR của Viettel Construction (16,4 tỷ đồng) và QNS của Đường Quảng Ngãi (13 tỷ đồng). Nối tiếp, dòng tiền ngoại cũng tìm đến ABI (4 tỷ đồng), MCH (3,5 tỷ đồng), ACV (2,7 tỷ đồng), VGG (1,4 tỷ đồng), theo sau vào ròng nhẹ các mã VEA, ORS, PAS, PGV...

Chiều ngược lại, VTP của Viettel Post là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất 3,2 tỷ đồng trong phiên. Theo sau, nhà đầu tư nước ngoài xả ròng 963 triệu đồng cổ phiếu SBS, nối tiếp rút ròng nhẹ khỏi các mã TTD, VGI, DC1, FOC...

Thảo Bùi

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.