Phiên 17/8: Khối ngoại bán ròng hơn 1.388 tỷ đồng, gia tăng áp lực chốt lời tại VHM và VIC
Áp lực chốt lời phủ bóng lên hầu hết các nhóm ngành khiến thị trường chỉnh mạnh về cuối phiên. VN-Index chịu tác động tiêu cực từ việc VHM mất mốc MA50 ngày sau thông tin các tổ chức lớn đồng loạt đăng ký bán ra cổ phiếu của Vinhomes.
Kết phiên, VN-Index giảm 7,87 điểm (0,57%) còn 1.363,09 điểm, HNX-Index giảm 0,12% xuống 343,11 điểm. Ngược lại, UPCoM-Index tăng 0,17% lên 94,2 điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao tuy có phần giảm so với phiên trước, ghi nhận hơn 32.300 tỷ đồng, tương đương gần 1,03 tỷ cổ phiếu giao dịch. Trong đó thanh khoản khớp lệnh trên HOSE đạt gần 24.500 tỷ đồng.
Tại HOSE, áp lực bán tiếp tục được đẩy lên cao khi khối ngoại gia tăng lực bán ròng hơn 45% so với phiên trước, lên mức 1.388 tỷ đồng, tương đương 22.170.000 đơn vị.
Dẫn đầu chiều bán tiếp tục là bộ đôi cổ phiếu họ Vingroup, lần lượt là VHM của Vinhomes (510 tỷ đồng) và VIC của Tập đoàn Vingroup (235 tỷ đồng). So với phiên đầu tuần, áp lực xả tại hai ông lớn này đã tăng tương ứng 2,75 lần và 1,4 lần, chiếm tới 53% tổng giá trị bán ròng trên HOSE.
Ngay sau khi Tập đoàn Vingroup công bố kế hoạch bán gần 100,5 triệu cổ phiếu VHM, cổ đông lớn Singapore là Viking Asia Holdings II Pte. Ltd cũng đăng ký bán hơn 31,9 triệu đơn vị trong cùng khoảng thời gian từ ngày 19/8 đến ngày 17/9. Sau khi thông tin trên được công bố, VHM đã điều chỉnh trong hai phiên gần đây, hiện dừng ở mốc 111.000 đồng/cp.
Cũng chung diễn biến, ông lớn ngành thép là HPG (Hòa Phát) tiếp tục chịu áp lực rút ròng 163,6 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với phiên 16/8. Giao dịch diễn ra ngay trước khi con trai Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát thực hiện mua 5 triệu cổ phiếu HPG theo phương thức thỏa thuận. Theo ghi nhận, giá cổ phiếu HPG tăng nhẹ 1,92% vào cuối phiên, chính thức quay lại vùng 50.400 đồng/cp sau đợt chỉnh mạnh vào tháng 7.
Cùng chiều, dòng vốn ngoại cũng rút ròng khỏi nhiều cổ phiếu như GAS (57,9 tỷ đồng), DPM (46,2 tỷ đồng), NLG (45 tỷ đồng), SAB (38,9 tỷ đồng), VNM (34,3 tỷ đồng) cùng bộ đôi ngân hàng quốc doanh là VCB (44,5 tỷ đồng) và CTG (43,1 tỷ đồng).
Ngược lại, giao dịch chiều mua vẫn kém sôi nổi khi không có cổ phiếu nào được mua ròng với giá trị trên 40 tỷ đồng.
Cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục ghi nhận giao dịch trái chiều với ông lớn Hòa Phát khi được khối ngoại mua ròng 33,8 tỷ đồng trong phiên, tương ứng khối lượng 859.600 cổ phiếu, gấp hơn hai lần phiên liền trước. Theo sau, hai đại diện của nhóm phân bón - hóa chất lọt vào top mua ròng là DCM (26,2 tỷ đồng) và DGC (21,5 tỷ đồng).
Cùng chiều, dòng tiền tìm đến các cổ phiếu midcap và smallcap với lực mua ròng dưới 20 tỷ đồng, lần lượt là DGW (16 tỷ đồng), STB (15,3 tỷ đồng), PTB (15,1 tỷ đồng), DHC (13,2 tỷ đồng), LHG (12,2 tỷ đồng), FRT (9,5 tỷ đồng) và HCM (8,6 tỷ đồng).
Diễn biến tương tự, sàn HNX cũng ghi nhận lực bán ròng hơn 56,2 tỷ đồng, tăng hơn 43% đến từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài, tương ứng khối lượng rút ròng 1.735.499 cổ phiếu.
Áp lực bán tại cổ phiếu của Chứng khoán VNDirect chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng 40,9 tỷ đồng cổ phiếu VND, tăng gần 18,5 tỷ đồng và là phiên bán ròng thứ 8 liên tiếp.
Theo sau, giao dịch bán ròng tập trung ở cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam với giá trị 12,3 tỷ đồng. Chuỗi bán ròng nối tiếp xuất hiện tại các cổ phiếu CDN (7,1 tỷ đồng), BVS (2,7 tỷ đồng), IDJ (2,6 tỷ đồng), PSD (1,4 tỷ đồng), MBG (1,2 tỷ đồng), DXP (1,1 tỷ đồng) và PHP (1 tỷ đồng).
Tại chiều mua, chỉ có ba cổ phiếu được mua ròng trên 1 tỷ đồng là VCS của Vicostone (5,5 tỷ đồng), DXS của Đất Xanh Services (3,9 tỷ đồng), PAN của CTCP Tập đoàn Pan (2,7 tỷ đồng). Một số cổ phiếu ghi nhận giao dịch cùng chiều lần lượt là TVB, SHS, PVI, SHB...
Trái lại, thị trường UPCoM tiếp tục ghi nhận giao dịch ngược chiều với phần còn lại của thị trường khi khối ngoại mua ròng 24,58 tỷ đồng, tương ứng 496.275 đơn vị cổ phiếu.
Về giá trị cụ thể, cổ phiếu CTR của Viettel Construction duy trì dẫn đầu chiều mua ròng với 12,8 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại đồng thời mua ròng khoảng 7 tỷ đồng hai cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và QNS của CTCP Đường Quảng Ngãi. Theo sau, lực cầu được ghi nhận tại MML (4 tỷ đồng), BSR (4 tỷ đồng), VEA (1,9 tỷ đồng), NTC (677 triệu đồng)...
Ở chiều ngược lại, nhóm này bán ròng mạnh nhất cổ phiếu VTP của Viettel Post (7,1 tỷ đồng). Nối tiếp, lực xả mạnh được ghi nhận tại SIP (2,9 tỷ đồng), LTG (2 tỷ đồng) và MSR (1,7 tỷ đồng). Các cổ phiếu ghi nhận lực xả nhẹ hơn bao gồm WTC, TTN, VLB, SBS...