Phiên 15/10: Dòng vốn ngoại trở lại sàn HOSE, giải ngân chủ yếu vào HSG
Áp lực bán dâng cao sau 14h00 khiến VN-Index lùi bước và có lúc giảm gần 3 điểm. Chỉ số kịp lấy lại sắc xanh ngay trước phiên ATC nhưng nỗ lực tăng điểm thiết lập trong phần lớn thời gian giao dịch đã bị đánh đổ. Một lần nữa, VN-Index thất bại trước ngưỡng cửa 1.400 điểm.
Kết phiên, VN-Index tăng 0,85 điểm (0,06%) lên 1.392,7 điểm, HNX-Index đứng yên tại giá tham chiếu, UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (0,16%) lên 99,44 điểm.
Như vậy, phiên giao dịch cuối tuần đóng cửa với sắc xanh nhẹ, đây là phiên đi ngang thứ 4 từ sau phiên bùng nổ 11/10. Thanh khoản phiên hôm nay cao hơn mức trung bình với tổng giá trị giao dịch cả ba sàn đạt trên 27.700 tỷ đồng. Nhìn chung thị trường vẫn tiếp tục đi ngang tích lũy, ngưỡng hỗ trợ quanh 1.375 - 1.385 vẫn giữ vững nên chưa có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại.
Trên sàn HOSE, khối ngoại mua vào với giá trị 1.381 tỷ đồng trong khi bán ra 1.298 tỷ đồng. Như vậy, nhà đầu tư ngoại đã quay lại mua ròng 83,3 tỷ đồng sau ba phiên xả ròng liên tiếp. Tuy vậy, nhóm này vẫn bán ròng về khối lượng 167.200 đơn vị.
Ở chiều mua, khối ngoại tập trung gom mạnh nhất cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen với giá trị 94,2 tỷ đồng, tương đương 1,9 triệu đơn vị. Mặc dù duy trì xả ròng cổ phiếu của "anh cả" ngành thép là HPG kể từ đầu tháng 10, nhóm này lại có động thái gom mua mã HSG trong hai phiên gần đây.
Nối tiếp, dòng vốn ngoại đảo chiều gom ròng 58,3 tỷ đồng cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes, theo sau mua gom các mã VNM (51,7 tỷ đồng), DIG (43 tỷ đồng), DPM (39,2 tỷ đồng).
Là một trong những nhóm hỗ trợ chỉ số giữ được sắc xanh sau khi đóng cửa, các cổ phiếu ngân hàng cũng được mua ròng nhẹ với các đại diện CTG (39,2 tỷ đồng), STB (28,8 tỷ đồng), VCB (21,5 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu PAN của CTCP Tập đoàn PAN là mã bị xả ròng nhiều nhất với quy mô hơn 107 tỷ đồng. Theo ghi nhận, khối ngoại đã bán ròng hơn 15,2 triệu cổ phiếu PAN kể từ đầu tháng 10, với tổng quy mô bán ròng đạt hơn 469 tỷ đồng.
Theo sau, khối ngoại tập trung xả ròng nhóm bất động sản, nổi bật là các đại diện KBC (97,2 tỷ đồng), NVL (14,6 tỷ đồng), PDR (12,3 tỷ đồng). Mặc dù có lúc tăng điểm trong phiên, lực xả dồn dập về cuối phiên khiến hầu hết cổ phiếu bất động sản đóng cửa trong sắc đỏ.
Một số cổ phiếu ghi nhận giao dịch cùng chiều còn có SHB (41,9 tỷ đồng), MSN (39,7 tỷ đồng), SBT (37,6 tỷ đồng), SSI (35,8 tỷ đồng)...
Tại sàn HNX, nhà đầu tư ngoại tiếp tục bán ròng hơn 21,1 tỷ đồng, tương đương 166.534 đơn vị cổ phiếu. Tuy vậy, quy mô bán ròng đã giảm chỉ còn gần 50% so với phiên liền trước.
Cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG vươn lên thành mã bị xả ròng nhiều nhất với gần 25,3 tỷ đồng. Nối tiếp, lực xả hơn 18 tỷ đồng tập trung ở cổ phiếu SHS của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, theo sau là các mã THD (12,8 tỷ đồng), KTS (1 tỷ đồng), API (958 triệu đồng), IDJ (948 triệu đồng).
Ở chiều mua, cổ phiếu PVI của Bảo hiểm Dầu khí PVI dẫn đầu trong phiên thứ ba liên tiếp với 24,3 tỷ đồng vốn ngoại. Cùng chiều, nhóm này mua ròng nhẹ hơn các mã BCC (7,5 tỷ đồng), CEO (2,6 tỷ đồng), SCI (2,2 tỷ đồng), PVS (915 triệu đồng)...
Tại thị trường UPCoM, giao dịch diễn ra đồng thuận khi khối ngoại tiếp tục xu hướng bán ròng hơn 25,5 tỷ đồng, tương đương khối lượng 345.823 đơn vị.
Trong phiên cuối tuần, khối ngoại giảm áp lực bán ròng cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi xuống còn 9,6 tỷ đồng. Thay vào đó, nhóm này tập trung xả hơn 16,4 tỷ đồng cổ phiếu VTP của Viettel Post. Một số mã ghi nhận giao dịch cùng chiều còn có VEA (4,8 tỷ đồng), NTC (509 triệu đồng)....
Tại chiều mua ròng, lực cầu chủ yếu tập trung vào hai cổ phiếu gồm ACV (1,6 tỷ đồng) và VGG (1,3 tỷ đồng). Theo sau, các mã được mua ròng nhẹ hơn dưới 1 tỷ đồng còn có AAS, MSR, HHV, KSH...