|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 14/10: Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trên toàn thị trường, tập trung 'xả' nhóm chứng khoán, bất động sản

16:19 | 14/10/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index đóng cửa ngay dưới ngưỡng tham chiếu, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 725 tỷ đồng trên toàn thị trường. Tâm điểm bán ròng trong phiên thuộc về nhóm dịch vụ tài chính và bất động sản, với một số đại diện như VND, SSI, VHM, VIC.

Vốn là trụ đỡ chính của thị trường trong phiên sáng, nhóm bất động sản bất ngờ trở thành gánh nặng trong phiên chiều với nhịp giảm mạnh của hai đại diện họ Vingroup là VHM và VIC. Đây cũng là hai mã tác động tiêu cực nhất thị trường phiên hôm nay với mức ảnh hưởng giảm 1,8 điểm.

Kết phiên, VN-Index giảm 0,06 điểm còn 1.391,85 điểm, HNX-Index tăng 5,5 điểm (1,45%) lên 384,84 điểm, UPCoM-Index tăng 0,5 điểm (0,51%) lên 99,28 điểm.

Dòng tiền nhập cuộc mạnh mẽ hơn trong phiên chiều giúp tổng giá trị giao dịch toàn thị trường cả phiên đạt 26.900 tỷ đồng, tương đương gần 937,7 triệu đơn vị cổ phiếu được mua/bán. Trong đó thanh khoản sàn HOSE tăng hơn 3.300 tỷ đồng so với phiên trước đó.

Trên sàn HOSE, khối ngoại mua vào với giá trị 1.951,9 tỷ đồng nhưng bán ra 2.597,9 tỷ đồng. Nhóm này có phiên bán ròng thứ ba liên tiếp với gần 645 tỷ đồng tại HOSE, tương đương khối lượng 8,37 triệu đơn vị.

Phiên 14/10: Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trên toàn thị trường, tập trung 'xả' nhóm chứng khoán, bất động sản - Ảnh 1.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở chiều bán, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát vẫn bị bán ròng mạnh nhất với 168 tỷ đồng, nâng tổng giá trị xả ròng kể từ đầu tháng 10 lên mức 1.500 tỷ đồng.

Dòng vốn ngoại theo sau rút ròng khỏi nhóm cổ phiếu chứng khoán với hai đại diện lớn là VND của Chứng khoán VNDirect (148 tỷ đồng) và SSI của Chứng khoán SSI (121 tỷ đồng), bên cạnh PAN cũng bị xả ròng gần 135 tỷ đồng.

Cùng chiều, một số mã cũng bị khối ngoại tập trung xả ròng còn có KBC (92,7 tỷ đồng), VHM (63,8 tỷ đồng), VIC (59,5 tỷ đồng), MSN (57,6 tỷ đồng), KDH (44,6 tỷ đồng), GAS (40,9 tỷ đồng)...

Phiên 14/10: Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trên toàn thị trường, tập trung 'xả' nhóm chứng khoán, bất động sản - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Trở lại chiều mua, cổ phiếu DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí thu hút lượng lớn lực cầu khi được mua ròng 158,8 tỷ đồng, tương đương 3,8 triệu đơn vị. Giao dịch tích cực khiến DPM có thời điểm kịch biên độ, nhưng hạ nhiệt về cuối phiên và đóng cửa ở 42.000 đồng/cp (tăng 4,48%).

Nối tiếp, khối ngoại duy trì mua ròng tại một số cổ phiếu nhóm ngân hàng như MBB (61,3 tỷ đồng), STB (31,2 tỷ đồng), VCB (15,9 tỷ đồng). Mặc dù bán ròng VHM, VIC, dòng tiền ngoại lại tìm đến VRE với giá trị 26,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số mã ghi nhận giao dịch tích cực còn có DHC, HSG, TNH NCT và chứng chỉ ETF E1VFVN30.

Trên sàn HNX, khối ngoại quay lại ròng hơn 42,7 tỷ đồng ngay sau phiên mua gom nhẹ trước đó, tương đương 698.840 đơn vị bị bán ròng.

Nổi bật tại chiều bán là giao dịch xả ròng gần 51,3 tỷ đồng cổ phiếu SHS của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, hay bán ròng về khối lượng 1,35 triệu đơn vị. Theo sau, khối ngoại tập trung bán ròng tại các cổ phiếu TNG (12,5 tỷ đồng), IDJ (1,3 tỷ đồng), VCS (1,1 tỷ đồng), NVB (1,1 tỷ đồng).

Ở chiều mua, cổ phiếu PVI của Bảo hiểm Dầu khí PVI vẫn là mã giao dịch tích cực nhất khi thu hút 15 tỷ đồng vốn ngoại. Nhóm này cũng mua ròng 4,7 tỷ đồng cổ phiếu BII của Louis Land, theo sau rót vốn ròng vào một số mã như CEO (1,8 tỷ đồng), KLF (1,4 tỷ đồng), BVS (841 triệu đồng)...

Tại thị trường UPCoM, giao dịch có phần tương đồng khi khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 38 tỷ đồng, tương đương khối lượng 669.113 đơn vị.

Chịu áp lực bán ròng lớn nhất từ nhóm nhà đầu tư ngoại là cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi với 31,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VEA của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam cũng bị bán ròng 11,1 tỷ đồng. Theo sau, nhóm này cũng bán ròng lần lượt NTC (1,6 tỷ đồng) và VTP (1,4 tỷ đồng).

Tại chiều mua ròng, khối ngoại tập trung giải ngân ròng vào hai cổ phiếu gồm ACV (2,7 tỷ đồng) và ORS (2,3 tỷ đồng). Nối tiếp, nhóm này chỉ duy trì mua ròng dưới 1 tỷ đồng vào một số mã gồm HHV, VGG, BSR,...

Thảo Bùi

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.