|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Phía sau mối quan hệ giữa hai tiệm bánh mì Nguyên Sinh tại Hà Nội và Sài Gòn

17:35 | 03/07/2023
Chia sẻ
Cả hai tiệm bánh mì Nguyên Sinh đều là những cái tên nổi tiếng ở địa phương và được đông đảo thực khách ghé thăm.

Sự việc nhân viên cửa hàng bánh mì Nguyên Sinh Hà Nội (số 17-19 Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm) hành hung khách hàng đang là tâm điểm của dư luận trong hai ngày cuối tuần vừa qua. Tuy nhiên, một cửa hàng khác tại TP HCM có tên Nguyên Sinh Bistro - est.1942 lại bất ngờ nhận hàng loạt bài đánh giá xấu trên địa chỉ Google.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Ngọc Thạch, chủ cửa hàng Nguyên Sinh Bistro - est.1942 khẳng định các hoạt động tại cửa hàng của anh không liên quan tới cửa hàng Nguyên Sinh Hà Nội.

"Tôi biết cửa hàng Nguyên Sinh Hà Nội. Đó là một cửa hàng nổi tiếng, song chúng tôi chỉ trùng tên với họ và cửa hàng của chúng tôi cũng có danh tiếng riêng" - chủ cửa hàng Nguyên Sinh Bistro.1942 có địa chỉ tại 141 Trần Đình Xu, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP HCM bày tỏ.

 Cửa hàng Nguyên Sinh Bistro - est.1942 tại TP HCM. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Theo giới thiệu, Nguyên Sinh Bistro - est. 1942 là nhà hàng bánh mì và "cơm tây" kế thừa từ Nguyên Sinh restaurant của ông Nguyễn Văn Miêu từ thời Pháp thuộc. Ông Miêu từng làm việc tại hãng thịt nguội Michaux của Pháp và được đào tạo tay nghề nấu ăn bài bản.

Năm 1942, ông Miêu mở nhà hàng đầu tiên ở Hà Nội do người Việt làm chủ. Nhà hàng lấy tên con trai cả của ông là Nguyễn Sinh. Khi đó, món bánh mì ăn kèm thịt nguội và pate hay bò bít tết tại nhà hàng được gọi là "cơm Tây".

Năm 1979, cụ Miêu cùng con cả Nguyễn Sinh vào TP HCM mở lại nhà hàng bánh mì với tên gọi Nguyên Sinh - Hà Nội tại đường Nguyễn Trãi, Quận 1, nay là 141 Trần Đình Xu. Ngày nay, tên chính thức là Nguyên Sinh Bistro - est. 1942.

Theo lời kể của anh Nguyễn Ngọc Thạch, năm 1956, bánh mì Nguyên Sinh nằm tại con phố Thuốc Bắc (Hà Nội), đến năm 1962, cụ Miêu chuyển bánh mì Nguyên Sinh về 17 Lý Quốc Sư, Hà Nội. Ngôi nhà này ông đã để lại cho con trai Nguyễn Văn Ngọc, rồi cùng con cả Nguyễn Sinh di cư vào TP HCM.

Cửa hàng bánh mì Nguyên Sinh (số 17-19 Lý Quốc Sư, Hà Nội) ngày nay do Nguyễn Hải Long, cháu rể ông Nguyễn Văn Miêu, làm chủ. Đây là một địa chỉ được mệnh danh là hàng bánh mì "xưa và đắt" nhất Hà Nội. 

Cụ Nguyễn Văn Miêu và cháu đích tôn Nguyễn Ngọc Thạch. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

 

Theo lời kể, ông Miêu đã bàn giao lại quy trình sản xuất pate, thịt nguội, giò chả, cua Farci... cho người con trai Nguyễn Sinh. Sau khi ông Miêu qua đời ở tuổi 102, các công thức món ăn gia đình được truyền hết lại cho con trai cả và cháu đích tôn Nguyễn Ngọc Thạch.

Các món ăn làm nên tên tuổi của cụ Miêu là pate gan gà thơm mùi quế, xúc xích tỏi, xúc xích xông khói, jambon gà, jambon heo, ba rọi xông khói, bò bít tết kiểu Nguyên Sinh, bồ câu quay....

Hiện nay, món ăn thương hiệu của Nguyên Sinh Bistro - est. 1942 là bánh mì với miếng bít tết chỉ ướp muối và áp chảo, sau đó rắc tỏi phi lên mặt, ăn kèm với pate gan gà, bánh mỳ đặc ruột kiểu Pháp đặt riêng nóng giòn.

Hồi tháng 5, trong khuôn khổ Lễ hội bánh mì Việt Nam tổ chức tại TP HCM, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã xác lập thành tích cho Nguyên Sinh Bistro - est. 1942 là Top 10 thương hiệu bánh mỳ lâu đời.

Theo chia sẻ, Nguyên Sinh Bistro - est. 1942 không phát triển chi nhánh mới tại Việt Nam song thương hiệu này có định hướng chuyển giao công thức làm pate, các món thịt nguội, giò chả... cho nhiều đối tác tại Australia, Mỹ, Canada.

Thùy Trang