|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 – 2030

10:13 | 25/11/2023
Chia sẻ
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1489/QĐ-TTg, ngày 24/11/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Một góc thành phố Đồng Xoài, trung tâm tỉnh lỵ Bình Phước. Ảnh: Dương Chí Tưởng - TTXVN

Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Bình Phước là 6.873,56 km2, gồm 11 huyện, thị xã, thành phố.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 9%

Mục tiêu đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là "điểm đến hấp dẫn" của Vùng Đông Nam Bộ, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm có thu nhập và nguồn thu ngân sách; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị; tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số.

Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 9%.

Cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 54%; thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 35%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11%. Kinh tế số chiếm tỷ trọng 30%.

GRDP bình quân/người đạt 180 triệu đồng (tương đương 7.500 USD). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt khoảng 7%/năm;

Phấn đấu xếp hạng PCI, PAPI, PAR Index, ICT Index thuộc nhóm khá của cả nước.

Bình Phước là "điểm đến hấp dẫn" của Vùng Đông Nam Bộ

Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ, tương đương các tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước; không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; xây dựng đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững; xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc, con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, là "điểm đến hấp dẫn" của Vùng Đông Nam Bộ.

Công nghiệp phát triển nhanh và bền vững theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao

Về phương hướng phát triển các ngành quan trọng, Bình Phước sẽ phát triển công nghiệp nhanh và bền vững theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao như: chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin,… Chú trọng nâng cao trình độ công nghệ; mở rộng và phát triển mới các khu, cụm công nghiệp.

Công nghiệp chế biến: Phát triển công nghiệp chế biến sâu theo hướng cụm ngành; phát triển 3 nhóm ngành chủ lực: chế biến điều, chế biến cao su và gỗ, chế biến thực phẩm (các sản phẩm từ gia súc, gia cầm).

Công nghiệp chế tạo: Tận dụng cơ hội tham gia Hiệp định CPTPP, EVFTA để thu hút đầu tư nâng cấp chuỗi công nghiệp chế biến, chế tạo; khuyến khích các doanh nghiệp có hoạt động nâng cấp chuỗi giá trị và hướng tới các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn.

Công nghiệp hỗ trợ: Hình thành một số cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ đủ lớn, có khả năng đào tạo, nghiên cứu, có năng lực dẫn dắt, hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế.

Công nghiệp năng lượng tái tạo: Phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công nghiệp vật liệu xây dựng: Phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng có thế mạnh của tỉnh, có hiệu quả kinh tế cao.

Công nghệ thông tin: Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp phát triển và ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Phát triển nông nghiệp theo hướng cụm ngành, chuỗi giá trị

Nông nghiệp phát triển với tư duy kinh tế nông nghiệp, tiếp cận theo hướng cụm ngành, chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: cao su, điều, hồ tiêu, cây ăn trái.

Phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống người nông dân và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thương mại - dịch vụ phát triển tập trung vào các lĩnh vực phân phối, bán lẻ, vận tải, logistics. Thu hút đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ như: trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, chợ nông thôn. Tập trung đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư. Tích cực thúc đẩy thương mại thị trường trong nước, thương mại điện tử, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại biên giới.

Về du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch, thương hiệu du lịch Bình Phước là điểm đến hấp dẫn, đặc sắc với nhiều địa danh, di tích lịch sử, văn hóa, sinh thái của Vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên; tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là các nhà đầu tư về hạ tầng và vận hành các cơ sở du lịch; xây dựng các khách sạn 4-5 sao, sân golf; xây dựng và phát triển các tuyến du lịch nội địa và quốc tế, nhất là tuyến du lịch kết nối với Campuchia, Lào, Thái Lan.