Phát triển công nghiệp hỗ trợ, khó khăn từ nhiều phía
Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Tất yếu phải liên kết | |
DN Công nghiệp hỗ trợ muốn được ưu đãi như Samsung |
Công ty TNHH thiết kế chế tạo Nhật Minh là một doanh nghiệp sản xuất khuôn mẫu chính xác ở TP HCM, đang cung cấp khuôn mẫu nhựa cho Công ty Sanyo Việt Nam.
Ông Huỳnh Văn Tèo, Giám đốc công ty Nhật Minh cho biết, công ty đang tìm kiếm thêm đối tác để mở rộng sản xuất nhưng điều này không dễ dàng. Vì các doanh nghiệp FDI lớn trước khi đến Việt Nam đã có sẵn các nhà cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nhiều kinh nghiệm và giá thành tốt.
Doanh nghiệp Việt Nam rất khó chen chân vào dù đáp ứng tốt các yêu cầu của họ về chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng. Hiện Nhật Minh đang có cơ hội tốt khi được Sở Công thương TP HCM kết nối với một số doanh nghiệp của Nhật Bản trong lĩnh vực điện tử gia dụng. Thế nhưng, ông Huỳnh Văn Tèo khá băn khoăn khi hoạt động chỉ dừng ở mức khảo sát.
“Họ đến doanh nghiệp khảo sát, đánh giá không đạt thì yêu cầu chúng tôi cải tiến một số tiêu chuẩn chất lượng, nhưng cải tiến rồi mà cũng không biết họ có đặt hàng tiếp hay không. Vì vậy, khi kết nối, cơ quan Nhà nước cần có tác động nào đó, không cần bằng văn bản giấy tờ, nhưng phải có cam kết nào đó để doanh nghiệp đầu tư vào cải tiến.” Ông Huỳnh Văn Tèo cho hay.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: KT) |
Thực tế, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên rất khó tiếp cận được các doanh nghiệp FDI lớn. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt chất lượng tốt nhưng giá thành chưa cạnh tranh được với nhiều nhà cung cấp nước ngoài.
Với một số sản phẩm yêu cầu các điều kiện khắt khe, doanh nghiệp Việt cũng khó đáp ứng được. Đơn cử như trong ngành sản xuất ô tô, Việt Nam có hơn 20 doanh nghiệp lắp ráp ô tô, nhưng chỉ có 84 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cấp 1, còn lại là doanh nghiệp cung ứng cấp 2, cấp 3. Trong khi đó, Thái Lan chỉ có 16 doanh nghiệp lắp ráp ô tô hoàn chỉnh, nhưng có đến 690 doanh nghiệp cung ứng cấp 1 và 1.700 doanh nghiệp cung ứng cấp 2, cấp 3.
Bà Trương Thị Chí Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thừa nhận, doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu về tiêu chuẩn thiết bị, phương pháp kiểm tra hệ thống quản lý chất lượng. Những yếu tố này này doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được nhưng tiêu chí cuối cùng là biện khắc phục, phòng ngừa về sự cố thiết bị như thế nào thì doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng rất kém.
TP HCM hiện có 1.200 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm công nghiệp phụ trợ, chủ yếu là doanh nghiệp cung ứng cấp 3, cấp 4 cho doanh nghiệp đầu cuối.
Thành phố cũng đã có chương trình kích cầu, hỗ trợ lãi suất để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đầu tư đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh.
Năm 2017, 12 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ được cho vay ưu đãi gần 800 tỷ đồng. Thành phố cũng tăng cường xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết, sẽ tăng cường vai trò kết nối của cơ quan chuyên môn để doanh nghiệp mở rộng sản xuất, cải tiến quy trình sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của của các doanh nghiệp.
Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng, chính các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng phải chủ động hơn nữa trong nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu chất lượng, hạ giá thành...thì mới mong phát triển được./.