Phát hành trái phiếu, lời giải cho bài toán vốn của nhiều ngân hàng thương mại
Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ tháng 6 của CTCP Chứng khoán SSI dẫn lại thống kê của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết dư nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trên GDP của Việt Nam liên tục tăng trong những năm gần đây.
Tổng qui mô thị trường TPDN tại cuối quí I/2019 đạt khoảng gần 130.000 tỉ đồng (gần 5,6 tỉ USD) trong đó có hơn 1 tỉ USD là trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ. Mặc dù tổng dư nợ TPDN tính trên GDP của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực ở mức 1,8% nhưng lại liên tục tăng.
Đáng chú ý, nhóm ngân hàng thương mại vẫn luôn là chủ thể phát hành lớn nhất, nhóm bất động sản và hạ tầng chiếm tỉ trọng lớn sau đó. Trong nửa đầu năm 2019, các ngân hàng đã phát hành là 30.450 tỉ đồng, chiếm khoảng hơn 40% tổng lượng phát hành.
Kì hạn phát hành chủ yếu là 2-3 năm với lãi suất dao động từ 6,3% - 7%/năm, mức lãi suất khá thấp so với lãi suất huy động tiền gửi. Trái phiếu kì hạn này được tính vào phát hành giấy tờ có giá và sẽ giúp tăng tỉ trọng vốn huy động trung và dài hạn của các ngân hàng.
Nguồn: SSI Research
Theo một thống kê gần đây của CTCP Chứng khoán MB (MBS), tính từ đầu năm đến ngày 28/5 có khoảng 8 ngân hàng phát hành tổng cộng 17.600 tỉ đồng trái phiếu. VPBank là ngân hàng có lượng trái phiếu phát hành nhiều nhất với 5.600 tỉ đồng, tiếp đó là HDBank với 3.000 tỉ đồng; ABBank với 2.500 tỉ đồng; ACB với 2.350 tỉ đồng.
Trong nửa cuối năm 2019, nhiều khả năng các ngân hàng sẽ tập trung vào phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 để cải thiện hệ số CAR.
Tính đến nay đã có một số ngân hàng công bố kế hoạch phát hành của mình như: VietinBank dự kiến phát hành 10.000 tỉ đồng, VPBank dự kiến phát hành 1,12 tỉ USD trái phiếu quốc tế, TPBank dự kiến phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế.