|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Một lượng 'khủng' trái phiếu ngân hàng phát hành trong 5 tháng đầu năm

07:04 | 06/06/2019
Chia sẻ
Theo thống kê của MBS, trong 5 tháng đầu năm nay, có 8 ngân hàng đã phát hành 17.600 tỉ đồng trái phiếu.

Theo báo cáo tháng 5 mới đây của CTCP Chứng khoán MB (MBS), có khoảng 8 ngân hàng phát hành tổng cộng 17.600 tỉ đồng trái phiếu từ đầu năm đến ngày 28/5.

Hầu hết trái phiếu các ngân hàng phát hành có kỳ hạn 3 năm, số ít còn lại là kỳ hạn 2 hoặc 5 năm.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) có lượng trái phiếu phát hành nhiều nhất với 5.600 tỉ đồng với các mức lãi suất từ 6,4 - 6,9%/năm. Kỳ hạn 3 năm và trả lãi 12 tháng/lần.

Kế đến là Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank - Mã: HDB) phát hành 3.000 tỉ đồng trái phiếu trong tháng 4 và 5, với kỳ hạn từ 2 - 3 năm và lãi suất 6,3 - 6,9%/năm.

Đứng thứ ba là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - Mã: ABB) với 2.500 tỉ đồng trái phiếu được phát hành vào ngày 25/4, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 7%/năm và thả nổi.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng hoàn tất phát hành 2.350 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất 6,8%/năm

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng hoàn tất phát hành lượng trái phiếu trị giá 2.250 tỉ đồng với kỳ hạn 2 - 3 năm và lãi suất 7,1 - 7,3%/năm.

Ngoài ra còn có Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank - Mã: LPB) với lượng trái phiếu đã phát hành trị giá 1.000 tỉ đồng kỳ hạn 2 năm, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank - Mã: BAB) với 800 tỉ đồng kỳ hạn 2 và 3 năm; Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) với 100 tỉ đồng kỳ hạn 5 năm.

Một lượng khủng trái phiếu ngân hàng phát hành trong 5 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Lượng trái phiếu các ngân hàng phát hành trong 5 tháng đầu năm 2019. (Nguồn: MBS)

Được biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN.

Đáng chú ý, NHNN đề xuất hai phương án giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn xuống còn 30%. 

Phương án 1, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn được phép để cho vay trung hạn và dài hạn sẽ là 40% từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2020. Còn từ ngày 1/7/2020 đến hết 30/6/2021, tỷ lệ này giảm về 35% và sẽ giảm tiếp về 30% từ ngày 1/7/2021.

Theo phương án 2, lộ trình điều chỉnh chậm hơn. Cụ thể, từ ngày Thông tư ngày có hiệu lực đến hết 30/6/2020 tỷ lệ tối đa là 40%; từ 1/7/2020 đến hết 30/6/2021, tỷ lệ tối đa giảm còn 37%; từ 1/7/2021 đến hết 30/6/2022 tối đa 34% và từ 1/7/2022 sẽ giảm về tối đa 30%.

Trong bảng tổng hợp điểm mới về dự thảo Thông tư, NHNN cho hay, căn cứ số liệu thống kê của NHNN, việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn hàng năm 5% không tác động lớn đến hoạt động của ngân hàng, chi nhánh NHNNg và nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế. Đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp không phụ thuộc vào vốn ngân hàng, chủ động tiếp cận các nguồn vốn khác như phát hành cổ phiếu tăng vốn, phát hành trái phiếu hay hợp tác thực hiện dự án với các đối tác nước ngoài...

Do đó với việc NHNN đang lên lộ trình siết tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn sẽ buộc các ngân hàng cân đối lại các kỳ hạn tiền gửi và cho vay, bằng việc tăng thêm huy động tiền gửi dài hạn, hoặc giảm cho vay trung dài hạn. Tuy nhiên để vẫn đảm bảo vai trò cung ứng vốn ra nền kinh tế, các ngân hàng phải đồng thời bổ sung nguồn vốn huy động, cân đối tín dụng. 

Một trong số đó là việc phát hành trái phiếu để huy động thêm nguồn vốn. Việc này còn giúp tăng thêm nguồn vốn cấp 2 cho ngân hàng, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, sẵn sàng cho việc đáp ứng chuẩn Basel II đang tới gần.

Ánh Dương