|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

‘Pháp luật được vận dụng linh hoạt, nhưng lại linh hoạt theo hướng bắt chẹt doanh nghiệp’

12:08 | 20/05/2019
Chia sẻ
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng thư kí Hội các phòng thử nghiệm Việt Nam (VinaLAB) đã chỉ ra hàng loạt bất hợp lý trong quy định pháp luật về dịch vụ khoa học công nghệ hiện nay.

Tư nhân bị phân biệt đối xử trong dịch vụ khoa học công nghệ

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, xã hội hóa dịch vụ khoa học công nghệ của Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn một số điểm hạn chế, nếu như không muốn nói là “nửa vời”, gây cản trở rất lớn để thúc đẩy tư nhân đầu tư trong lĩnh vực này.

Tính nửa vời này thể hiện trước hết ở sự bất ổn định của pháp luật. Ví dụ, trước năm 2017, các cơ sở sản xuất giống thủy sản phải đánh giá chứng nhận hợp quy điều kiện sản xuất theo quy chuẩn QCVN 02-15:2009/BNNPTNT. Nhưng khi Luật Thủy sản (2017) ra đời, điều kiện sản xuất giống thủy sản lại phải chứng nhận như chứng nhận điều kiện sản xuất và được thực hiện bởi các cơ quan quản lý nhà nước (có phân cấp đến địa phương);

Hoặc trước ngày 02/02/2018, thực phẩm phải được công bố hợp quy và kèm theo là có dịch vụ chứng nhận hợp quy. Nhưng sau ngày này, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ban hành ngày 02/02/2018 quy định thực phẩm không cần phải công bố hợp quy. Đây là cuộc cách mạng về thủ tục hành chính - và dĩ nhiên là hoạt động chứng nhận hợp quy thực phẩm cũng gần như bị bãi bỏ.

“Như vậy, để triển khai 2 dịch vụ chứng nhận hợp quy trên, các tổ chức chứng nhận đã phải đầu tư để đào tạo chuyên gia, hệ thống thử nghiệm… nhưng chỉ sau 1 đêm tất cả các đầu tư đó đã trở thành vô nghĩa.

“Đó là nỗi lo sợ nhất của các nhà đầu tư. Mất nghiệp chỉ bởi một quy định hành chính thì không có nhà đầu tư nào dám mạnh dạn đầu tư nữa”, ông Dũng bình luận.

Ông Dũng cũng chỉ ra rằng hiện đang có sự phân biệt đối xử giữa tổ chức tư nhân và tổ chức nhà nước. Ví dụ, khoản 1, Điều 47, Luật An toàn thực phẩm quy định việc kiểm nghiệm phục vụ giải quyết tranh chấp về an toàn thực phẩm như sau: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp chỉ định cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng để thực hiện kiểm nghiệm thực phẩm về nội dung tranh chấp. Kết quả kiểm nghiệm này sẽ là căn cứ giải quyết tranh chấp về an toàn thực phẩm”.

Thế nhưng khoản 2, Điều 47 này lại thòng thêm câu “Cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định làm kiểm chứng là cơ sở kiểm nghiệm của nhà nước”.

Quy định như vậy là không công bằng và hợp lý.

‘Pháp luật được vận dụng linh hoạt, nhưng lại linh hoạt theo hướng bắt chẹt doanh nghiệp’ - Ảnh 1.

Tư nhân vẫn gặp khó khăn khi làm dịch vụ khoa học công nghệ.

Một ví dụ khác, Quyết định 97/2009/QĐ-TTg ban hành ngày 24/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ tư nhân được phép thành lập tổ chức khoa học công nghệ để thực hiện dịch vụ công nhận.

Tuy nhiên, do Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật (2006) có đề cập đến điều kiện hoạt động của tổ chức công nhận là đơn vị sự nghiệp, mà cơ quan quản lý lại mặc định đơn vị sự nghiệp là đơn vị nhà nước nên dù có tổ chức đăng ký hoạt động chứng nhận (có giấy phép kinh doanh 2009) tư nhân vẫn không đăng ký hoạt động được mà phải chuyển đổi ngành nghề kinh doanh.

Một ví dụ khác nữa là theo Luật Khoa học công nghệ năm 2013, dịch vụ khoa học công nghệ có thể là tổ chức khoa học công nghệ. Thế nhưng Nghị định 08/2014/NĐ-CP và Thông tư 03/2014/TT-BKHCN lại bỏ sót đối tượng tổ chức khoa học công nghệ bao gồm là tổ chức cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ. Vì thế, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ không thể chuyển đổi thành tổ chức khoa học công nghệ để hưởng quy chế tổ chức khoa học công nghệ.

Muốn có “mác” tổ chức khoa học công nghệ thì các doanh nghiệp này phải thành lập tổ chức mới (có thể trực thuộc) như Trung tâm… thì Trung tâm này mới có thể là tổ chức khoa học công nghệ được.

“Nếu làm như vậy thì công tác quản lý của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ thành lập trước năm 2013 sẽ bị khó khăn nên không có doanh nghiệp nào cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ chuyển đổi thành tổ chức khoa học công nghệ cả”, ông Nguyễn Hữu Dũng nói.

Pháp luật còn “lo nghĩ hộ” cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hữu Dũng cũng cho rằng hiện nay các quy định của pháp luật còn đang “lo hộ”, “nghĩ hộ” cho doanh nghiệp.

Chẳng hạn như tổ chức thử nghiệm muốn cung cấp dịch vụ phải đăng ký từng phép thử với cơ quan quản lý nhà nước. Khi đăng ký phải nộp rất nhiều hồ sơ phê duyệt phương pháp (có phòng thử nghiệm phải nộp cả nghìn trang hồ sơ). Tuy nhiên, việc này chẳng giải quyết được vấn đề gì.

Bởi các tổ chức thử nghiệm muốn cung cấp dịch vụ họ phải có năng lực được công nhận bởi tổ chức công nhận độc lập. Hoạt động công nhận này lại phải chịu giám sát bởi các tổ chức thừa nhận quốc tế. Vậy nhưng các cơ quan quản lý không thừa nhận mà lại yêu cầu nộp hồ sơ phê duyệt phương pháp dẫn đến mất tính chủ động của các phòng thử nghiệm.

“Việc mở rộng và phê duyệt phương pháp thử là trách nhiệm bắt buộc của các phòng thử nghiệm. Sao cơ quan nhà nước lại phải lo hộ?”, ông Dũng đặt câu hỏi.

Một quy định cứng nhắc khác là mỗi tổ chức chứng nhận phải có 2 chuyên gia làm việc toàn thời gian/lĩnh vực. Tuy nhiên, các tổ chức chứng nhận nước ngoài khi cung cấp dịch vụ chứng nhận tại Việt Nam lại có thể sử dụng toàn chuyên gia làm việc bán thời gian tại Việt Nam để thực hiện dịch vụ.

“Rõ ràng đây là một lợi thế rất lớn của các tổ chức chứng nhận nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Đó là chưa kể các tổ chức chứng nhận nước ngoài áp dụng cơ chế kinh doanh nhượng quyền (franchising) cho các tổ chức Việt Nam thì gần như các chuyên gia của họ không được kiểm soát. Tại sao, chúng tại lại quy định cứng nhắc làm khó cho các tổ chức chứng nhận của Việt Nam”, ông Dũng bức xúc.

Vận dụng pháp luật linh hoạt theo hướng… bắt chẹt doanh nghiệp

Theo vị Tổng thư kí VinaLAB, hệ thống pháp luật của chúng ta khá đủ, vấn đề là ở khâu thực thi pháp luật. Việc thực thi pháp luật ở nước ta còn rất bất cập, không thống nhất giữa các bộ ngành và việc hiểu và áp dụng luật ở mỗi ngành mỗi cấp khác nhau nên gây khó cho doanh nghiệp.

“Nguyên nhân là do hệ thống pháp luật chồng chéo, thậm chí một quy phạm pháp luật còn có thể hiểu theo nhiều nghĩa nên đã được vận dụng hết sức ‘linh hoạt’. Có điều sự vận dụng linh hoạt đó chủ yếu theo hướng ‘bắt chẹt’ doanh nghiệp.

“Đồng thời, việc vi phạm pháp luật không được xử lý nghiêm nên thực tế tồn tại rất nhiều cạnh tranh không lành mạnh nên những đơn vị, tổ chức làm chuẩn, làm đúng thường bị thua thiệt. Có thể khẳng định, các cơ quan thực thi pháp luật không thể bảo vệ được các tổ chức hoạt động đúng luật, các tổ chức này chỉ có cách tự bảo vệ mình”, ông nói.

Trong lĩnh vực dịch công, những bất hợp lý này được bộc lộ khá rõ. Chẳng hạn như việc yêu cầu công bố hợp quy theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật là đúng. Nhưng cơ chế lại cho phép doanh nghiệp tự đánh giá hợp quy để công bố hợp quy đang lại là khe hở vì không có cơ chế kiểm soát tự đánh giá hợp quy. Cơ quan thanh tra không đủ nguồn lực để thanh tra hết, chỉ có khi nào vi phạm thì mới phát hiện ra.

Hay như việc không bắt buộc dãn nhãn hợp quy để tiết kiệm cho doanh nghiệp khi in bao bì là hợp lý nhưng lại làm cho người tiêu dùng khó có thể truy xuất được thông tin chứng nhận hay không... Điều này dẫn đến tình trạng nhiều dấu hiệu chứng nhận bị lạm dụng, làm cho người tiêu dùng không có thông tin để phân biệt thật giả. Đồng thời những tổ chức làm chuẩn thì lại không có cơ chế bảo vệ họ. Như vậy việc không quyết liệt trong cơ chế chứng nhận/công bố hợp quy đã làm cho việc bắt buộc công bố hợp quy gần như vô nghĩa.

Lê Nguyễn