Pháp không muốn 'tách rời' nền kinh tế Trung Quốc
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ngày 30/7 cho hay nước này muốn tăng khả năng tiếp cận với thị trường cũng như có mối quan hệ thương mại “cân bằng” hơn với Trung Quốc, chứ không phải “tách rời” khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Phát biểu trên được ông Le Maire đưa ra trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh một ngày sau cuộc đàm phán thương mại mà ông gọi là "mang tính xây dựng" với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng).
Ông Le Maire nói rằng phía Pháp không muốn đối mặt với một số rào cản về pháp lý hay kỹ thuật khác để tiếp cận thị trường Trung Quốc. Đây là vấn đề cốt lõi trong các cuộc thảo luận của hai bên. Vị Bộ trưởng nhấn mạnh Pháp muốn đảm bảo khả năng tiếp cận tốt hơn và cân bằng hơn vào thị trường Trung Quốc.
Tại cuộc họp hôm 29/7, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong cho biết nước này sẵn sàng tăng cường hợp tác với Pháp trong một số lĩnh vực.
Các quan chức châu Âu đã nhiều lần nói rằng họ không muốn tách khỏi Trung Quốc mà muốn "giảm thiểu rủi ro" trước cái mà Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) gọi là "sự ép buộc kinh tế" của quốc gia tỷ dân này.
Tại cuộc họp báo, ông Le Maire lưu ý rằng xử lý rủi ro không có nghĩa Trung Quốc là một rủi ro. Theo ông, xử lý rủi ro có nghĩa phía Pháp muốn độc lập hơn và không muốn đối mặt với bất kỳ mối nguy hại nào cho chuỗi cung ứng trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng mới, giống như cuộc khủng hoảng COVID-19.
Khi được hỏi về lo ngại của một số nhà sản xuất ô tô châu Âu rằng xe điện (EV) giá rẻ của Trung Quốc có thể tràn ngập thị trường châu Âu, Bộ trưởng Le Maire cho biết Pháp có kế hoạch riêng và đang hợp tác với châu Âu để tập trung tốt hơn các khoản trợ cấp EV của khối nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp ô tô địa phương.
Ông bày tỏ sẵn sàng đón nhận các khoản đầu tư của Trung Quốc vào ngành công nghiệp ô tô ở Pháp và châu Âu, đồng thời cho biết thêm việc các công ty Trung Quốc đầu tư và phát triển ở châu Âu là rất tốt.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Pháp. Nhưng các công ty Pháp đang lo ngại rằng họ có thể bị cuốn vào cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, hai siêu cường kinh tế của thế giới.