|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Phân lô bán nền trái phép tràn lan: Vừa có lách luật, vừa có 'đi đêm'

21:43 | 21/08/2019
Chia sẻ
Để xảy ra tình trạng phân lô bán nền tràn lan có trách nhiệm của địa phương trong việc xử lí chưa rốt ráo, triệt để. Song, tâm lí ham mua đất giá rẻ của người dân cũng góp phần không nhỏ.

Để xảy ra tình trạng phân lô bán nền tràn lan có trách nhiệm của địa phương trong việc xử lý chưa rốt ráo, triệt để. Song, tâm lý ham mua đất giá rẻ của người dân cũng góp phần không nhỏ.

Phân lô bán nền trái phép khắp nơi

Tại Tp.HCM, mới đây, UBND phường Tân Thới Nhất cho biết một sàn giao dịch bất động sản tổ chức giới thiệu cho khách hàng về dự án phân lô đất nền trên đường Dương Thị Giang thuộc khu phố 4, phường Tân Thới Nhất, quận 12. Tuy nhiên, tại khu vực này không có dự án đất nền nào được triển khai.

Tình trạng phân lô bán nền trái phép tràn lan cũng diễn ra tương tự tại tỉnh Khánh Hoà. 

Theo Sở Xây dựng Khánh Hoà, thời gian gần đây, có nhiều tờ rơi, quảng cáo cũng như trên các trang mạng xã hội, trang batdongsan.com xuất hiện nhiều thông tin về mở bán đất nền khu dân cư với nhiều tên gọi khác nhau như Khu dân cư Phú Quý, Khu dân cư Đại Phú Quý, Khu dân cư cao cấp Nam Vân Phong.

Sở Xây dựng đã kiểm tra thực địa, kết quả cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện nay không có bất kỳ dự án nhà ở nào có tên gọi như các dự án nêu trên.

Nguồn gốc khu đất là đất nông nghiệp, được đối tượng nhận chuyển nhượng sau đó tách thửa đất, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở để chuyển nhượng cho khách hàng.

Tại thị xã Ninh Hoà, nhiều nhân viên môi giới bất động sản còn liên tục đăng tin rao bán đất nền tại nhiều dự án "ma" như "Villa In Central Resort", "Havavil Dốc Lết", "Havavil Dốc Lết & Beach Resort", "dự án Paradise Dốc Lết", "dự án đất Bắc Vân Phong", "siêu dự án resort Dốc Lết"...

UBND thị xã Ninh Hòa xác định đó là những dự án "ma", bởi trên địa bàn không có dự án nào mang tên như kể trên, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận đầu tư theo quy định.

Thủ phạm chính là doanh nghiệp và địa phương

Chỉ ra thủ phạm của tình trạng phân lô bán nền trái phép, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho VnEconomy biết: Chính giới đầu nậu, cò đất và một số ít doanh nghiệp bất động sản bất lương đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc thiếu thông tin của khách hàng. 

"Trong một số trường hợp đã câu kết với một số cán bộ chính quyền cấp cơ sở, hoặc có trường hợp do chính quyền cấp cơ sở buông lỏng công tác quản lý nhà nước trên địa bàn", ông Châu khẳng định.

Lợi dụng bất cập của Luật Kinh doanh bất động sản, các đầu nậu sử dụng các phương thức như: thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ; thỏa thuận góp vốn; thỏa thuận hợp tác đầu tư; thỏa thuận hợp tác kinh doanh... theo quy định của pháp luật dân sự, với giá trị đặt cọc lớn, gây rủi ro cho khách hàng.

Trong lúc Luật Kinh doanh bất động sản quy định sau khi ký hợp đồng, chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai chỉ được nhận thanh toán lần đầu của khách hàng không quá 30% giá trị hợp đồng.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai không có quy định về tách thửa đất nông nghiệp và các loại đất khác, mà chỉ có quy định về tách thửa đất ở nông thôn, đất ở đô thị. 

Nhưng bất cập trong thực thi Luật Đất đai là tại Khoản 31 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ, thì lại cho phép tách thửa đối với từng loại đất. Trong đó, có đất nông nghiệp, đất trồng cây công nghiệp dẫn đến hệ quả làm gia tăng tình trạng phân lô, tách thửa tràn lan.

Phân lô bán nền trái phép tràn lan: Vừa có lách luật, vừa có đi đêm - Ảnh 1.

Dự án ma mọc lên, phân lô bán đấn nền trái phép.

Riêng với trách nhiệm của doanh nghiệp bất động sản, ông Châu cho rằng cần phải tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ với một số ít doanh nghiệp bất động sản bất lương và đầu nậu thực hiện phân lô bán nền, huy động vốn trái pháp luật, gây thiệt hại cho khách hàng, làm mất an ninh, trật tự xã hội trong thời gian qua cho đến nay.

"Đối với cơ quan quản lý nhà nước,  Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các trường hợp đầu nậu, doanh nghiệp nấp bóng người sử dụng đất để thực hiện tách thửa, phân lô bán nền, huy động vốn trái pháp luật trên địa bàn", Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM đề nghị.

Lỗi một phần do dân ham giá rẻ!

Còn ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà ở và thi trường Bất động sản nói với VnEconomy rằng: Trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương phải cảnh báo, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền tràn lan.

Cũng theo ông Ninh, để xảy ra tình trạng này lỗi một phần do người dân ham nhà giá rẻ. "Cư dân tăng số nhanh, nguồn tiền có hạn mà nhu cầu mua nhà lại lớn.

 Ai cũng muốn đi làm vài ba năm nhưng đã sở hữu được nhà riêng. Đó là cái người dân phải tính toán, tìm hiểu kỹ ở cơ quan công quyền thì sẽ không xảy ra trường hợp đó", ông Ninh nói.

Hiện, Bộ Xây dựng đã có văn bản nhắc nhở, cảnh báo. Trên thực tế, một số địa phương, quận, huyện đã công bố và cảnh báo các khu đất phân lô bán nền trái phép.

"Việc phân lô bán nền tràn lan vi phạm nhiều luật như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng… Tất cả những trường hợp này nặng thì truy cứu trách nhiệm hình sự, nhẹ thì xử phạt hành chính. 

Do đó, người dân trước khi xuống tiền mua nên đến Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường địa phương để hỏi thông tin về các dự án", ông Ninh khuyến cáo.

Kiều Linh