|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đà Lạt khẩn cấp chặn phân lô, bán nền trái phép

07:49 | 08/08/2019
Chia sẻ
UBND TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vừa ra văn bản hỏa tốc gửi các cơ quan chức năng và UBND phường 10 yêu cầu kiểm tra, rà soát và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng tại các trục đường Hùng Vương, Mimosa, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Trãi, Lê Văn Tám, Khởi Nghĩa Bắc Sơn...

Các đơn vị có trách nhiệm lập hồ sơ xử lý nghiêm các công trình xây dựng vi phạm, phát hiện kịp thời, ngăn chặn các vi phạm mới phát sinh; theo dõi, quản lý chặt chẽ khu vực tổ Sở Lăng (phường 10) để kịp thời phát hiện, ngăn chặn vụ việc có dấu hiệu tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định.

Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, rà soát công tác quản lý đất đai trên địa bàn phường 10, đặc biệt là khu vực Hoàng Hoa Thám, tổ Sở Lăng..., nhất là việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp trái quy định để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định. 

"Giao Công an TP Đà Lạt tiếp tục nắm bắt thông tin, tình hình phân lô, bán nền đất nông nghiệp trái quy định, xác định đối tượng, điều tra làm rõ và xử lý theo quy định" - văn bản nêu rõ.

Đà Lạt khẩn cấp chặn phân lô, bán nền trái phép - Ảnh 1.

San lấp mặt bằng trái phép tại Đà Lạt. Ảnh: Đình Thi

Trước đó, tình trạng san ủi đất trái phép xảy ra tại địa bàn phường 10, TP Đà Lạt, cạnh Quốc lộ 20, đoạn qua đèo Mimosa, gây bức xúc trong dư luận. Trong khu vực này, mặt bằng rộng lớn đã được san gạt, xây dựng hệ thống đường bê-tông nội bộ, hệ thống thoát nước. 

Khi lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường, phát hiện Lê Văn Bắc (19 tuổi; ngụ phường 8, TP Đà Lạt) đang dùng máy múc san gạt đất diện tích đất rộng 7.306 m2. Công an TP Đà Lạt đã lập biên bản tạm giữ một xe múc bánh xích và điều tra, làm rõ vụ việc.

Một trường hợp khác là ông Lê Văn Hoàng (ngụ số 40 Khe Sanh, phường 10, TP Đà Lạt) đã tự ý sử dụng phương tiện cơ giới san bạt taluy, làm đường nội bộ, xây dựng hệ thống kênh thoát nước kiên cố thuộc khe tụ thủy tại các thửa đất nông nghiệp ở tổ dân phố Đa Lợi (phường 10, TP Đà Lạt). 

Ngoài ra, tại khu vực tổ Sở Lăng, bà Vũ Thị Ái (ngụ tại phường 8, TP Đà Lạt), sau khi san ủi tạo mặt bằng, đã cho xây dựng hệ thống đường nội bộ đấu nối vào Quốc lộ 20 trên khu đất nông nghiệp trồng cây lâu năm rộng hơn 7.300 m2, trên đèo Mimosa. 

Bà Ái còn tự ý cho thi công xây dựng hàng rào kiên cố, đưa máy múc, máy đào, máy phát điện, máy khoan đến đào ao, khoan giếng cùng nhiều hạng mục khác.

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cho biết thời gian qua, "cò" đất xuất hiện khắp nơi ở Đà Lạt, đẩy giá đất lên cao kéo theo việc san ủi đất, phân lô, bán nền trái phép diễn ra tràn lan. 

Chính quyền địa phương có vào cuộc nhưng không thể xử lý dứt điểm. Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao TP Đà Lạt quản lý chặt chẽ việc cấp phép xây dựng và chuyển mục đích đất sử dụng. Yêu cầu tuân thủ theo Quyết định 33 của UBND tỉnh, theo đó đất nông nghiệp bảo đảm tối thiểu 500 m2, đất ở 200 m2 mới được phép tách thửa...

Liên quan đến giá bất động sản ở TP Đà Lạt, ông Võ Ngọc Trình thừa nhận giá đất trên địa bàn TP đang được đẩy lên cao nhưng nguyên nhân chính là do quản lý quy hoạch chặt chẽ nên giá đất tăng là điều tất yếu. "Còn việc "cò" đất tung tin đồn, thổi giá đất UBND TP đã giao công an điều tra xử lý" - ông Trình cho biết thêm.

Ông Trình dẫn chứng khu quy hoạch Trường Xuân, xã Xuân Trường, năm 2016 - 2017, nhà nước đấu giá 3,5 tỉ đồng không ai mua. Thế nhưng vừa rồi, mức đấu giá được nâng lên 17,8 tỉ đồng nhưng có hơn 80% diện tích đã được bán, sang nhượng cho các tổ chức cá nhân.

Đình Thi