Phân canh sâu sắc trong lòng ngân hàng Việt
Cuối 2017 đầu 2018, lãi suất ngân hàng tiếp tục có những chuyển động trái chiều, phản ánh rõ thực trạng phân canh ngày càng sâu sắc trong hệ thống.
Phó thống đốc yêu cầu ngân hàng vào cuộc giảm lãi vay | |
Vẫn chưa có ngân hàng Việt thí điểm nào hoàn thành Basel II, nhiều thách thức phía trước | |
Sau Tết, nhiều nhà băng âm thầm tăng lãi suất huy động |
Cuối 2017, một ngân hàng thương mại lớn giảm lãi suất huy động. Quyết định đưa ra sau khi tiền gửi tăng mạnh lên, hệ số sử dụng vốn khá thấp và ngân hàng phải cân đối lại chi phí.
Phát biểu với báo giới khi đó, lãnh đạo ngân hàng này nói rằng, mặc dù đã áp biểu lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường, đã điều chỉnh xuống, nhưng tiền gửi vẫn tăng trưởng mạnh, tăng cao hơn bình quân ngành.
Trong khi lãi suất trên liên ngân hàng nhanh chóng giảm sâu trở lại, cùng lượng vốn lớn cấp tập hút về, thì mức lãi suất cao 7,9-8%/năm đã mở rộng hơn trên biểu niêm yết của nhiều ngân hàng cũng như xen các chương trình cộng thưởng thêm 0,5-0,7%/năm - Ảnh: Quang Phúc. |
Nước chảy chỗ trũng
Một thực tế nằm sau trường hợp trên, trong năm 2017, nhiều vụ rủi ro tiền gửi xẩy ra, dòng tiền gửi có xu hướng tập trung hơn nữa vào những ngân hàng lớn, thay vì bị hút theo các mức lãi suất cao như trước đây.
Lãnh đạo ngân hàng trên giải thích thêm: "Dòng tiền gửi vào mạnh dù lãi suất rất thấp cho thấy uy tín ngân hàng đang khẳng định trên thị trường".
Những trường hợp trên cũng nằm trong một thực trạng phân canh rõ nét về lãi suất trong cùng một hệ thống. Chênh lệch giữa mức lãi suất huy động cao nhất giữa các ngân hàng lớn nhỏ hiện đã doãng rộng tới 2,3-2,5%/năm. Những năm trước, mức chênh này phổ biến dưới 2%/năm.
Có một số lý do chính dẫn tới sự phân canh trên.
Thứ nhất, có sự không đồng đều về cạnh tranh, vị thế và uy tín thu hút tiền gửi trong hệ thống; không đồng đều về lợi thế cạnh tranh, nhất là với nguồn ứ đọng lớn và nổi bật năm 2017 là tiền gửi ngân sách - gần như riêng có của khối ngân hàng thương mại nhà nước. Theo đó, nước chảy chỗ trũng.
Thứ hai, chính các ngân hàng thương mại nhà nước đã đẩy đến giới hạn tăng trưởng tín dụng - đầu ra sử dụng vốn; trong khi hơn ba năm qua vẫn chưa thể cải thiện được tỷ lệ an toàn vốn (CAR) một cách bền vững và dứt khoát do gần như không tăng được vốn điều lệ. Theo đó, cơ cấu lại đầu ra qua dịch chuyển tài sản, xét lại đầu vào qua bớt cạnh tranh lãi suất huy động để giảm thiểu chi phí là biện pháp ngắn hạn.
Trong khi đó, ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất huy động vẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tăng lên.
Nếu trong năm 2017, mức lãi suất huy động VND cao nhất 8%/năm chỉ rải rác ở một số thành viên, thì đến đầu 2018 đã trải rộng hơn trong cạnh tranh. Cùng đó, thị trường bắt đầu xuất hiện những hình thức cộng thưởng thêm lãi suất tiết kiệm khá cao từ 0,5 - 0,7%/năm, thay vì thể hiện cụ thể trên biểu niêm yết.
Úng vốn cục bộ
Trong một báo cáo gần đây, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhìn nhận, thời gian qua lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng ở mức rất thấp, nhưng không hẳn các ngân hàng đều dễ dàng tiếp cận.
Các mức lãi suất chỉ 1,5 - 4%/năm trên thị trường liên ngân hàng không dành cho những thành viên còn khó khăn, thiếu tài sản đảm bảo. Vậy nên họ vẫn phải tìm cách cạnh tranh huy động ở kênh dân cư và các tổ chức khác. Và đây cũng là một trong những lý do "lãi suất bèo" trên liên ngân hàng không thể xuyên thủng xuống như một sự liên thông bình ổn lãi suất huy động trên biểu niêm yết thông thường của nhiều nhà băng.
Mặc dù hai thị trường khác nhau với những đặc tính riêng, hai nhóm đối tượng khác nhau, nhưng sự phân canh ngày càng trở nên sâu sắc giữa lãi suất trên liên ngân hàng (thị trường 2) với lãi suất trên thị trường dân cư và tổ chức kinh tế thông thường (thị trường 1).
Ngân hàng Nhà nước chủ yếu điều tiết gián tiếp qua thị trường 2, qua thị trường mở, cũng như bằng các công cụ khác, nhưng thực trạng phân canh trong lòng một hệ thống và giữa các thị trường ngày càng sâu sắc, cho thấy hiệu lực của điều tiết chưa thực sự thẩm thấu đến những đối tượng thụ hưởng cuối cùng là người dân và doanh nghiệp vay vốn.
Đó có thể cũng là một trong những lý do để Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ tháng 2 vừa qua: đẩy nhanh thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay.
Chỉ đạo trên đưa ra ở thời điểm hệ thống ngân hàng Việt Nam đang có biểu hiện úng vốn cục bộ. Sự phân canh ở đây cũng thể hiện rõ, trong khi một số thành viên phải áp lãi suất cao, gián tiếp đẩy cao để tìm vốn trên thị trường 1, thì một lượng lớn đang dồn dập phải hút về với lãi suất rất thấp.
Tuần qua, sau mùa cao điểm Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước trở lại dồn dập phát hành tín phiếu hút bớt tiền về với loạt phiên liên tiếp quy mô 20.000 tỷ đồng, kỳ hạn "nhốt" vốn cũng nới ra từ 7 ngày lên 14 rồi lên 28 ngày.
Lượng vốn "úng" tạm thời này rất lớn, khi mà đến cuối tuần qua tổng lượng tín phiếu lưu hành đã vọt lên kỷ lục hiếm thấy trong hàng chục năm qua: trên 80.000 tỷ đồng. Lãi suất VND trên liên ngân hàng nhanh chóng trở lại thực trạng phân canh rõ nét như trước, xuống rất thấp, chỉ từ 1,28% đến dưới 2,5%/năm các kỳ hạn ngắn.