|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

[Phần 4] Khó khăn trong công cuộc bảo vệ môi trường của Trung Quốc

17:19 | 19/05/2019
Chia sẻ
Trung Quốc đã rất nỗ lực với công tác bảo vệ môi trường và thanh lọc bộ máy quản lý trong lĩnh vực này.

Trung Quốc đang ngày càng coi trọng vấn đề môi trường trong sạch ở chính đất nước này. Tháng 3/2019, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã phát biểu trước Đại hội Nhân dân toàn quốc lần thứ 13 tại Bắc Kinh về cuộc đấu tranh tiếp tục xây dựng Trung Quốc thành "một quốc gia xã hội chủ nghĩa vĩ đại và hiện đại". 

Ông đã vạch ra 10 ưu tiên có trọng lượng cho năm 2019, xếp thứ 7 trong đó là "tăng cường phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, tăng cường cải thiện sinh thái và tạo nên những tiến bộ lớn trong phát triển xanh".

Ông Lý đã nói về việc giảm 3% lượng khí thải SO2 và NOx; cắt giảm nồng độ PM2,5 tại các vùng trọng điểm, gồm khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc và đồng bằng sông Dương Tử; và giải quyết 3 nguồn gây ô nhiễm chính gồm sản xuất công nghiệp, sử dụng nhiên liệu than và xe cơ giới. 

Đất, nước và tất cả khía cạnh của quản lý chất thải cũng nằm trong chương trình nghị sự. "Chúng tôi sẽ tăng cường nỗ lực để đạt được những đột phá lớn về khoa học và công nghệ trong phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm", ông Lý cam kết.

[Phần 4] Khó khăn trong công cuộc bảo vệ môi trường của Trung Quốc - Ảnh 1.

Một đường cao tốc được lắp đặt bằng pin mặt trời ở Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, vào tháng 12/2017. Trung Quốc cam kết đầu tư 2.500 tỉ nhân dân tệ vào các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2020. Nguồn: Reuters

Khi các quan chức không thể hoàn thành những mục tiêu trên, sẽ có hậu quả nghiêm trọng. 

Tháng 4/2019, Bộ Sinh thái và Môi trường báo cáo hơn 12.000 người đã chịu trừng phạt vì vi phạm môi trường và thiếu sót kể từ năm 2015. Trong vòng rà soát mới nhất, 1.035 quan chức từ 8 vùng tỉnh đã được gọi đến. Bí thư tỉnh Liêu Nguyên, Trung Quốc đã bị cách chức vì tình trạng ô nhiễm của dòng sông trong thành phố.

"Họ đã điều động hệ thống tòa án vào vấn đề này", Horn-Phathanothai của Viện Tài nguyên Thế giới cho biết. Trung Quốc đang sử dụng pháp luật để truy tố những người vi phạm môi trường theo phương thức từ dưới lên. Đã có hàng trăm tòa án được thiết lập để phán xử tội phạm môi trường.

Bằng cách này, nhận thức về môi trường trở thành điều bắt buộc đối với quần chúng một cách hiệu quả. Maya Wang, nhà nghiên cứu cao cấp Trung Quốc ở Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại Mỹ, cho rằng các nhà hoạt động môi trường dường như chỉ còn một chút không gian hoạt động, so với những nơi khác. 

"Trung Quốc hiện coi ô nhiễm môi trường bây giờ là một rủi ro chính trị", Nagatani-Yoshida, điều phối viên khu vực của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc tại Bangkok cho biết. 

"Sự ô nhiễm ảnh hưởng đến mọi người, nhưng thường thì các nhóm kém phát triển sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn và họ có thể trở nên rất bất mãn. Bạn sẽ không bao giờ thấy các quan chức cấp cao nói điều này một cách công khai 10 năm trước. Tuy nhiên, hiện tại họ không do dự khi phát biểu: Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến ô nhiễm chính trị", theo Nikkei Asia Review.

Dương Dương