|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Phần 2] Trung Quốc: Từ quốc gia ô nhiễm nhất tới 'hình mẫu của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo'

11:00 | 16/05/2019
Chia sẻ
Trung Quốc đã bắt đầu triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ môi trường. Không thể phủ nhận quốc gia này đang là nhà đầu tư lớn nhất thế giới về công nghệ năng lượng tái tạo.

"Trung Quốc đang dẫn đầu về một số vấn đề môi trường", theo ông Joyce Msuya, giám đốc điều hành Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc, chủ trì hội nghị thứ tư tại Nairobi, Kenya, vào tháng 3/2019 với chủ đề chính về chất thải nhựa. 

"Họ đã thực hiện những bước đi vô song để chống biến đổi khí hậu, cải thiện ô nhiễm không khí và nước cũng như đẩy nhanh quá trình phát triển năng lượng tái tạo toàn cầu", ông Msuya cho biết thêm.

Khi các quốc gia lớn và ảnh hưởng như Trung Quốc có những bước tiến trên một vấn đề như môi trường, các quốc gia khác sẽ được học hỏi và làm theo.

[Phần 2] Trung Quốc: Từ quốc gia ô nhiễm nhất tới hình mẫu của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo - Ảnh 1.

Gia tăng ô nhiễm ở Bắc Kinh: Nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Bắc Kinh – Thiên Tân - Hà Bắc và khu vực lân cận. Nguồn:

Đề cập đến những vấn đề Trung Quốc đang làm tốt, các chuyên gia cũng chỉ ra mô hình trồng rừng và các dự án cải tạo đất và nước. Bắc Kinh và môi trường ở đó được truyền thông như một câu chuyện thành công đặc biệt về cải thiện chất lượng không khí.

Trung Quốc cũng đang đi tiên phong trong phát triển xe điện và công nghệ pin. 

Thực tế, theo Greenpeace, một tổ chức phi chính phủ về môi trường, đã báo cáo vào tháng 3/2019 rằng chỉ có 5 trong số 30 thành phố ô nhiễm không khí nhất trên thế giới là ở Trung Quốc, trong khi Ấn Độ có tới 22 thành phố - nơi tồi tệ nhất là Gurugram, cách thủ đô Dehli 30 km về phía tây nam. 

Bangladesh và Pakistan cũng đang bế tắc trong công cuộc đô thị hóa và trượt dốc do sự phát triển kinh tế lỗi thời.

Tuy vậy, Trung Quốc cũng vẫn là quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới do phát thải cacbon dioxit (CO2) lớn, cũng như tăng cả sản lượng điện than và công suất khai thác than vào năm ngoái; lệnh cấm nhập khẩu phế liệu nhựa của nước này khiến một số quốc gia kém phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề; và Sáng kiến Vành đai và Con đường thực chất là con dao hai lưỡi. 

Con dao hai lưỡi của Sáng kiến Vành đai - Con đường

Năm 2013, dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ được phát động bởi Chủ tịch Trung QuốcTập Cận Bình, nhằm tạo ra Con đường tơ lụa hiện đại nối liền châu Á với châu Âu, châu Phi và xa hơn nữa. Chương trình này đã giúp truyền bá công nghệ xanh, nhưng cũng đã thu hút sự kiểm duyệt từ nước ngoài, một phần vì sự hủy hoại môi trường ở châu Phi và các nơi khác.

Hệ thống sông Mekong cũng gánh chịu nhiều thiệt hại, đề xuất phá bỏ các ghềnh đá của dòng sông lớn giúp dễ dàng di chuyển đã bị lên án rộng rãi. Các dự án thủy điện của Trung Quốc tại Campuchia đã đánh giá quá cao dòng nước, khiến mất điện thường xuyên ở Phnom Penh - vấn đề càng trầm trọng hơn khi nhu cầu năng lượng từ các dự án xây dựng của Trung Quốc tăng cao.

Việc Trung Quốc thắt chặt áp lực để hoàn thành dự án thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỉ USD trên đoạn sông Irrawaddy ở bang Kachin, Myanmar đã gây ra các cuộc biểu tình và phẫn nộ trên diện rộng, đặc biệt là phần lớn năng lượng do dự án sản xuất sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc. Dự án này bắt đầu năm 2009 và đã bị đình chỉ vào năm 2011.

Một dự án điện đốt than hợp tác Thái Lan - Trung Quốc công suất 800 MW được đề xuất ở tỉnh Krabi, phía nam Thái Lan, dọc theo bờ biển nguyên sơ đã bị đình trệ bởi sự phản đối mạnh mẽ của công chúng.

[Phần 2] Trung Quốc: Từ quốc gia ô nhiễm nhất tới hình mẫu của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo - Ảnh 2.

Người dân Thái Lan phải di rời nơi cư trú do xây dựng đập Lower Sesan 2 do Trung Quốc tài trợ. Nguồn: Asia Nikkei

Mặt tích cực của sự bùng nổ năng lượng tái tạo

Tuy nhiên, dù sao Trung Quốc vẫn đạt được một số điểm cộng. 

"Đứng đầu danh sách chắc chắn là việc Trung Quốc đã triển khai năng lượng tái tạo. Điều đó có nghĩa là châu Phi đang có được năng lượng mặt trời với chi phí rất nhỏ so với 10 năm trước đây", ông Paul Ekins, giáo sư tài nguyên và chính sách môi trường tại Đại học College London, phát biểu tại Hội nghị Môi trường Mỹ ở Nairobi, Kenya.

Trên thực tế, một số nhà kinh tế tin rằng châu Phi hầu như có thể từ bỏ nhiên liệu hóa thạch và vẫn có nhiều năng lượng sạch hơn mức cần thiết trong tương lai gần.

Trung Quốc dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo và là nhà sản xuất, xuất khẩu và lắp đặt lớn nhất các tấm pin mặt trời và tua-bin gió. Theo Nikkei Asia Review, lợi ích của việc đầu tư vào nền kinh tế xanh đã vượt ra ngoài châu Phi, các tấm pin mặt trời và đèn chiếu sáng giá rẻ được bán rộng khắp Đông Nam Á, Nhật Bản và Trung Đông.

Các quan chức tại Hội nghị môi trường ở Nairobi thường có quan điểm tích cực về các khả năng cứu vãn. 

"Khi chúng ta nói về tăng trưởng kinh tế, điều đó thường có nghĩa là nhiều áp lực hơn đối với môi trường và sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên hơn", theo Siim Kiisler, Bộ trưởng môi trường Estonia và Chủ tịch Hội đồng môi trường Liên hợp quốc. 

"Tuy nhiên nó không phải như vậy. Chúng ta có thể thay đổi nền kinh tế với các sáng kiến và sự trung thực, và chúng ta có thể tách rời tăng trưởng kinh tế từ khai thác tài nguyên và suy thoái môi trường", ông Kiisler cho biết thêm.

Dương Dương