[Phần 2] Qui định tem nhãn: Bước chuyển mình 'đau đớn' để xuất khẩu rau quả theo đường chính ngạch sang Trung Quốc
Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc có thể "lùi" một bước
Theo Cục Công Thương Địa phương, chính sách nhập khẩu nông sản của Trung Quốc thay đổi ngay từ đầu năm 2019 đã tác động đến kim ngạch xuất khẩu rau quả, trong khi đây là ngành có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả quý I đạt 948,9 triệu USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 680,1 triệu USD, dù vẫn chiếm tới 72% tỉ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả nhưng so với cùng kỳ năm trước đã giảm 6,3%.
Nguồn: Cục Công Thương Địa phương tổng hợp từ Tổng cục Hải quan
Hiện xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn khi yêu cầu kiểm dịch hoa quả xuất nhập khẩu giữa hai nước càng khắt khe, gồm phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoa quả, hàng hóa có phải có nguồn gốc từ các nhà vườn hay cơ sở đóng gói đã đăng kí với các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng như đã được cơ quan Hải quan Trung Quốc công nhận.
"Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính nữa, bây giờ họ mua hàng có tính chọn lọc. Điều này không có gì mới lạ, các nước khác đặc biệt là Mỹ và EU đã làm rất gắt gao. Ngày xưa mình trồng đại rồi giao cho thương lái nên rất rủi ro.
Do đó, quy định về truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc hiện nay được coi là bước ngoặt lớn để ngành rau quả Việt Nam chuyển mình sang làm ăn theo chính ngạch, chú trọng đến vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả nhận định.
Tuy nhiên, ông Nguyên cũng chỉ ra rằng việc thay đổi thói quen của người nông dân cũng không phải là chuyện dễ dàng, và cần nhiều thời gian, nhất là trong vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Đại diện hiệp hội rau quả cho rằng năm nay xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc nhiều khả năng sẽ "lùi" nhưng mình lùi một bước để tiến nhiều bước khác chắc hơn, bền vững hơn. Nông dân sẽ không còn chịu cảnh giải cứu nông sản vì phụ thuộc vào thương lái. Rau quả bán đi cũng sẽ được giá cao hơn do có tem nhãn nguồn gốc xuất xứ vùng trồng.
"Như trước đây, nhiều khi bà con thấy thương lái thu mua qua đường tiểu ngạch nhiều, giá cao, nên đua nhau trồng. Thế nhưng khi thương lái đột ngột dừng mua thì lại lâm vào thảm cảnh giải cứu nông sản", ông Nguyên nói.
Trao đổi với người viết, TS Võ Trí Thành cho rằng: "Thật ra, xét trong một chừng mực nào đó, xuất khẩu tiêu ngạch có tác dụng hỗ trợ cho xuất khẩu hàng Việt Nam với quy mô, cách thức sản xuất của mình nhỏ lẻ phân tán.
Tuy nhiên, xét về dài hạn thì không hề tốt, do nông dân quen sản xuất theo lối cũ mà không chịu thay đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc cũng đã kí nhiều tiêu chuẩn đối với một số mặt hàng nông sản như gạo, thịt heo. Trước mắt, việc thay đổi sẽ khó khăn nhưng về lâu dài thì lại rất tốt".
Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc trên 3 tỉ USD rất khó
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng với tình hình khó khăn trong thủ tục xuất khẩu hàng sang Trung Quốc như hiện nay, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm nay đạt trên 3 tỉ USD là rất khó.
Trong khi đó, Cục Công phương Địa phương Địa phương vẫn lạc quan rằng dự kiến trong thời gian tới, xuất khẩu rau quả sẽ thuận lợi hơn trong bối cảnh các cơ quan quản lý đang nỗ lực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đáp ứng các quy định và giải quyết những vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, cộng với nhiều nhà máy chế biến rau quả lớn, hiện đại đã đi vào hoạt động.
Trong đó đáng chú ý là nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh với tổng số vốn đầu tư 1.780 tỉ đồng.