Xuất khẩu rau, quả hướng tới mục tiêu 5 tỉ USD năm 2020: Có khả thi?
Nỗi lo thị trường xuất khẩu
Nếu như năm 2004, Việt Nam mới có 13 thị trường XK rau, quả trị giá trên 1 triệu USD, thì đến năm 2018, mặt hàng này đã được XK sang 55 thị trường, trong đó, 13 thị trường XK có giá trị trên 25 triệu USD. Trung Quốc vẫn là thị trường chính, chiếm trên 70% thị phần XK; tiếp theo là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Malaysia, Thái Lan, Australia, Đài Loan (Trung Quốc)...
Xe chở nông sản chờ xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, DN rau, quả bước vào thị trường thế giới thường thiếu thông tin; khả năng tận dụng nguồn gốc xuất xứ còn hạn chế; chưa tiếp cận sâu với các kênh phân phối của thị trường sở tại. Thêm nữa, việc rau, quả vào được các thị trường cao cấp rất đáng mừng, song đổi lại phải chịu rất nhiều thủ tục mà trình độ sản xuất, chế biến, tổ chức XK chưa theo kịp. Để đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, trái cây Việt Nam phải "cõng" thêm chi phí, dềnh dàng thời gian.Dù vậy, rau, quả nước ta được XK chủ yếu dưới dạng thô, tươi nguyên và vào thị trường gần. Rủi ro, bị động từ việc XK rau, quả nói riêng và nông - lâm - thủy sản nói chung do phụ thuộc quá vào thị trường Trung Quốc luôn là nỗi ám ảnh.
Giải pháp phù hợp
Trước hết, về nguồn hàng, cần ổn định số lượng, bảo đảm chất lượng, giá cạnh tranh. Xây dựng quy hoạch, đề án trồng rau, quả, nhất là các loại đặc sản quốc gia và của địa phương, Mỗi vùng sản xuất tập trung, phát triển theo chuỗi giá trị, gắn với dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới, bám sát thị trường.
Nhà khoa học - nhà kinh doanh - nhà nông chung tay áp dụng công nghệ sinh học, đổi mới phương thức canh tác, bảo đảm truy xuất nguồn gốc. Trên cơ sở liên kết, phát triển các tổ sản xuất, hợp tác xã kiểu mới, tiến tới hình thành vùng chuyên canh; xây dựng các nhà máy chế biến rau, quả XK đạt chuẩn quốc tế, đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Một trong những giải pháp quan trọng là đàm phán mở rộng thị trường XK, trước mắt là các đối tác đã ký kết hiệp định thương mại tự do; ký hiệp định công nhận kết quả lẫn nhau về kiểm dịch thực vật. Ngoài ra, củng cố thị trường lớn, tiềm năng, mở thị trường XK mới... Cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp phải cập nhật nhu cầu, phù hợp với đối tượng; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa bộ máy thương mại trong nước với cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài.
Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực và sắp tới là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là cơ hội lớn để rau, quả của Việt Nam rộng đường vào các thị trường có quy mô lớn, sức tiêu thụ mạnh.