[Phần 1] Mơ hồ trong quy định dán tem nhãn, mục tiêu 3 tỉ USD xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc khó lòng đạt được
Lúng túng ngay từ "thượng nguồn"
Đây là hình ảnh của loại tem nhãn bắt buộc trên các lô hàng hoa quả khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Trên tem nhãn này có đầy đủ các thông tin như tên hàng hóa, nguồn gốc, qui cách đóng gói, công ty xuất khẩu, mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng...
Để có được mã số này, các doanh nghiệp phải đăng kí với Cục bảo vệ Thực vật sau đó được Trung Quốc chấp thuận.
Nguồn ảnh: VTV
Qui định này được phía Trung Quốc thông báo từ cuối năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Cụ thể, theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, từ 1/1/2019, các loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng kí thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì gửi cho Hải quan Trung Quốc.
Trong đó, đặc biệt lưu ý về thông tin, từ 1/5/2019, Hải quan Trung Quốc sẽ không cho phép dưa hấu lót rơm thông quan; yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái.
Đối với mít yêu cầu dùng giấy dai Kraft để bọc hoặc dùng bao bì là thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, đối với chuối, yêu cầu bao bì là thùng giấy hoặc túi nhựa để bọc (đều phải in mã và thông tin truy xuất nguồn gốc).
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động lựa chọn sử dụng bao bì thùng giấy hoặc tem nhãn dán lên trái cây, chủ động chọn đơn vị in tem nhãn truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, khuyến cáo là một chuyện nhưng việc thực hiện đến đâu lại là một câu chuyện khác khi nhiều doanh nghiệp, thậm chí cả cơ quan chức năng ở một số địa phương vẫn "mù mờ" trước qui trình để có được tem nhãn truy xuất nguồn gốc xuất khẩu hoa quả sang Trung Quốc.
Trao đổi với ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, được biết hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Chi Cục Bảo vệ Thực vật của một số địa phương vẫn chưa nắm rõ qui trình để cấp mã vùng trồng và mã đóng gói, ảnh hưởng đến tốc độ xuất khẩu của hàng hoa quả Việt Nam.
"Một số doanh nghiệp hội viên trong Hiệp hội phản ánh Sở NN&PTNT của một số tỉnh như Đắk Lắk, Bến Tre... vẫn chưa phổ biến các thông tin, qui trình để thực hiện qui định từ phía Trung Quốc.
"Thậm chí phía Sở NN&PTNT một số địa phương còn không nắm rõ qui trình cấp mã số thế nào. Khâu chỉ đạo thực hiện từ Bộ đến các Cục, Sở Nông nghiệp các địa phương vẫn chưa thông suốt", ông Nguyên nói.
Sự lúng túng của cơ quan chức năng địa phương trong qui định mới của Trung Quốc khiến doanh nghiệp càng "loay hoay" trong khi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ hoa quả lớn nhất của Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn người viết, ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội – CTCP (Hapro) cho biết hiện nay Hapro cũng đang gặp khó khăn trong xuất khẩu hoa quả và gạo sang thị trường Trung Quốc.
Ông Sơn chia sẻ: "Hiện Hapro và nhiều công ty khác đang tìm hướng xuất khẩu sang các thị trường khác, đặc biệt là khu vực Trung Đông, Mỹ. Tuy nhiên, về dài hạn, vẫn cần phải có giải pháp để giải quiết chính sách của Trung Quốc vì thực tế đây vẫn là thị trường tiêu thụ hoa quả lớn nhất của Việt Nam".
Ông Phạm Ngọc Thức, Phó Giám đốc Kinh doanh, Công ty Cổ phần Kim Chính (Hải Dương) cho biết việc nắm bắt thông tin thực tế vẫn còn hạn hẹp. Ông Thức bày tỏ mong muốn Sở NN&PTNT cũng như Chi Cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Hải Dương sớm có phản hồi cho doanh nghiệp.
"Nhà nước nên triển khai việc cấp mã vùng trồng, mã đóng gói để các Sở NN&PTNT biết và hướng dẫn các doanh nghiệp đăng kí. Như vậy, việc xuất rau quả sang Trung Quốc sẽ thông suốt hơn", ông Nguyên kiến nghị.
Mục tiêu xuất khẩu rau quả trên 3 tỉ USD sang Trung Quốc là rất khó
Đó là nhận định của ông Nguyên khi được hỏi về triển vọng xuất khẩu rau quả trong năm nay.
"Mọi năm xuất khẩu mặt hàng rau quả đều đạt mức tăng trưởng rất tốt, khoảng 20%. Tuy nhiên năm nay, với tình hình khó khăn trong thủ tục xuất khẩu hàng sang Trung Quốc như hiện nay, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 3 tỉ USD là rất khó", ông Nguyên nói.
Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu rau quả bất ngờ suy giảm trong quí I. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 3 ước đạt 294 triệu USD, đưa kim ngạch rau quả quí I ước đạt 879 triệu USD, giảm 9,3% so với cùng kì năm 2018.
Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với tỉ trọng 73,1%. Tuy vậy, xuất khẩu rau quả sang thị trường này giảm 14,7% về giá trị so với cùng kì năm ngoái.
Hiện tại, Việt Nam chỉ được xuất 8 loại hoa quả theo đường chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm.
Việt Nam đang trong quá trình đàm phán để mở rộng mặt hàng rau quả xuất khẩu sang thị trường này theo thứ tự ưu tiên, gồm sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, na, roi (mận), măng cụt.
"Theo kinh nghiệm thực tế, việc đàm phán để mở rộng xuất khẩu các mặt hàng rau quả không phải một sớm một chiều mà mất rất lâu mới đạt được.
Điển hình như để xuất khẩu xoài sang Mỹ chúng ta phải mất tới hơn chục năm. Đối với việc đàm phán mở rộng rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc, "thần tốc" lắm chúng ta cũng phải mất khoảng 2 năm nữa", ông Nguyên nói.
Việc Trung Quốc siết chặt qui định nhập khẩu rau quả trong tương lai sẽ khiến hoạt động xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam khó khăn hơn hay đây là động lực để ngành nông nghiệp chuyển mình mạnh hơn trong câu chuyện "làm ăn theo chính ngạch", giảm thiểu rủi ro? Mời đọc giả đón đọc Phần 2: qui định tem nhãn: Bước chuyển mình để xuất khẩu rau quả theo đường chính ngạch sang Trung Quốc.