|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Phần 1] Vải thiều Lục Ngạn: Khó trong tiêu thụ và bảo quản

08:00 | 11/06/2019
Chia sẻ
Mặc dù sản lượng vải lớn nhưng huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) vẫn chưa tìm ra công nghệ bảo quản phù hợp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp kêu "khó" khi kí hợp đồng tiêu thụ vải thiều do sợ rủi ro nông dân phá vỡ hợp đồng trước giá cao.

Khó khăn trong bảo quản vải thiều

Trao đổi với người viết, ông Trần Văn Tú, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Bắc Giang, cho biết đặc tính của vải thiều là thu hoạch rất tập trung, sản lượng lớn trong khi vẫn chưa tìm ra công nghệ bảo quản phù hợp.

"Hiện nay, tỉnh Bắc Giang phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu để đưa ra công nghệ chế biến tốt nhất và cũng đã có các chương trình hợp tác nghiên cứu với kinh phí giao cho Sở Khoa học và Công nghệ của tỉnh làm chủ đầu tư", ông Tú cho hay.

[Phần 1] Vải thiều Lục Ngạn: Khó trong tiêu thụ và bảo quản - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Tú, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Đức Quỳnh

Chia sẻ với người viết, ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết vải thiều thường được thu hoạch trong vòng 45 ngày ở điều kiện nắng rất gay gắt. Trong khi đó, vải thiều Lục Ngạn hiện vẫn được bán chủ yếu dưới dạng quả tươi.

"Chúng tôi đang nghiên cứu biện pháp kéo dài vụ vải. Để làm được điều này trước hết, chúng tôi phải thay đổi dần về giống, tăng diện tích vải chín sớm, giảm diện tích chính vụ và tiến tới có sản phẩm vải thiều muộn và không có hạn", ông Hoàn nói.

Ngoài ra, ông Hoàn cho biết huyện Lục Ngạn mong muốn các doanh nghiệp đẩy mạnh các sản phẩm chế biến từ vải thiều.

"Hiện nay đã có doanh nghiệp đề xuất dự án sản xuất rượu vang từ vải thiều với công suất dự kiến khoảng 50.000 tấn/năm. Nếu dây chuyền này đi vào hoạt động, sức ép tiêu thụ vải thiều sẽ giảm đi", ông Hoàn cho biết.

Phương pháp bảo quản vải thiều phổ biến tại huyện Lục Ngạn là đóng đá với thời gian khoảng 7 ngày. Đối với các thị trường tiêu thụ gần, vải thiều được xuất khẩu trực tiếp mà không cần các biện pháp bảo quản.

Bên cạnh đó, vẫn có một số phương pháp bảo quản mới của Nhật Bản, Isreal nhưng chi phí còn cao, chưa phù hợp để giảm giá thành cung ứng cho người tiêu dùng. 

Đối với xuất khẩu vào những thị trường cao cấp, quy trình chiếu xạ là quy trình bắt buộc. Nhưng chi phí vận chuyển vải từ Lục Ngạn sang cơ sở chiếu xạ và chi phí chiếu xạ khá tốn kém, khoảng 1 USD/kg vải. 

"Hiện chúng tôi đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất, hạ giá thành. Có như vậy, xuất khẩu vải thiều mới có lợi nhuận lớn, kích thích các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường cao cấp", ông Hoàn nói. 

Chia sẻ về phương pháp bảo quản, bà Đỗ Linh Nhâm, Phó Giám đốc kinh doanh CTCP Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn cầu cho biết hiện nay việc xuất khẩu vải thiều của công ty được xử lí qua công nghệ của Isreal và được được phía Mỹ chấp thuận. Ưu điểm của công nghệ này là giữ nguyên màu sắc, hương vị của quả vải tươi tới 50 ngày, gấp 7 lần so với hình thức đóng đá. 

[Phần 1] Vải thiều Lục Ngạn: Khó trong tiêu thụ và bảo quản - Ảnh 2.

Bà Đỗ Linh Nhâm, Phó giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn cầu. Ảnh: Đức Quỳnh

"Nhiều nơi khử trùng vải bằng phương pháp hun lưu huỳnh nhưng công nghệ Isreal an toàn do sử dụng axit hữu cơ và được Mỹ chấp thuận. Đối với hình thức chiếu xạ, ở miền Bắc chỉ có một nhà máy cung cấp dịch vụ này nhưng chưa được Mỹ công nhận. Muốn chiếu xạ vải để xuất khẩu sang Mỹ phải vào tận miền Nam", bà Nhâm cho biết. 

Bà Nhâm cho biết ngoài việc bảo quản vải bằng công nghệ của Isreal, công ty cũng đã chế biến một số sản phẩm từ vải thiều như nước ép vải, vải ngâm nước đường đóng hộp, vải thiều đông lạnh…

[Phần 1] Vải thiều Lục Ngạn: Khó trong tiêu thụ và bảo quản - Ảnh 3.

Sản phẩm vải ngâm siro đóng hộp. Ảnh: Đức Quỳnh

Doanh nghiệp kêu "khó" trong kí hợp đồng tiêu thụ vải với nông dân

Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, một trong những biện pháp phát triển vải thiều là thúc đẩy kí kết hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân ngay từ đầu, nhằm đảm bảo việc nông dân không bán ra ngoài khi được giá cao. 

Tuy nhiên bà Nhâm cho biết: "Chúng tôi rất muốn kí hợp đồng tiêu thụ vải thiều với nông dân nhưng họ không muốn kí với chúng tôi vì họ muốn giá thị trường còn cao hơn nữa.

Chẳng hạn như khi chúng tôi đặt một đơn hàng nhưng khi thương lái Trung Quốc sang mua với giá cao hơn, họ sẵn sàng phá vỡ hợp đồng. 

Chúng tôi bắt buộc phải mua theo giá thị trường. Người Trung Quốc mua bao nhiêu, chúng tôi bắt buộc phải mua theo giá đó, không có một giá cố định nào. Do đó tới nay, chúng tôi vẫn chưa thể kí hợp đồng với người nông dân".

Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, hiện 90% vải thiều của huyện này được xuất khẩu sang Trung Quốc. Vậy năm nay, liệu còn câu chuyện thương nhân Trung Quốc bất ngờ ngừng mua vải thiều Lục Ngạn còn lặp lại trong năm nay hay không?

Đón đọc [Phần 2] Hướng đi bền vững nào cho vải thiều Lục Ngạn?

Đức Quỳnh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.