|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc đặt mua sớm từ đầu vụ, giá vải thiều Lục Ngạn cao điểm đạt 70.000 đồng/kg

21:02 | 07/06/2019
Chia sẻ
Năm nay, thương nhân Trung Quốc và các tỉnh miền Nam đã đến khảo sát, đặt mua hàng rất sớm ngay từ đầu vụ, giá vải thiều Lục Ngạn cao hơn và ổn định hơn những năm trước, dao động bình quân 30.000 - 40.000 đồng/kg, có thời điểm cao nhất khoảng 70.000 đồng/kg.

Vải thiều được giá

Phát biểu tại Tuần lễ Vải thiều và Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ vải thiều, các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết ngay từ đầu vụ thu hoạch năm 2019 đến nay, giá bán các loại vải chín sớm tại huyện Lục Ngạn cao hơn và ổn định hơn những năm trước, dao động bình quân 30.000 - 40.000 đồng/kg, có thời điểm cao nhất khoảng 70.000 đồng/kg. 

Trung Quốc đặt mua sớm từ đầu vụ, giá vải thiều Lục Ngạn cao điểm đạt 70.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn. Ảnh: Đức Quỳnh

Một tín hiệu vui khác nữa là các doanh ngiệp, thương nhân Trung Quốc và các tỉnh miền Nam đã đến khảo sát, đặt mua hàng rất sớm ngay từ đầu vụ. Do vậy, phần lớn sản phẩm quả vải thiều tươi Lục Ngạn được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Trung Quốc và cung cấp cho các tỉnh, thành phía Nam.

Trao đổi với người viết tại Tuần lễ Vải thiều và Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ vải thiều, các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, anh Nguyễn Văn Bắc (xã Quý Sơn, Lục Ngạn), một trong những hộ đã được cấp mã số vùng trồng đối với quả vải cho biết tuy năm nay người dân mất mùa nhưng lại được giá.

"Năm ngoái, giá vải rẻ, người dân chặt bỏ đi nhiều. Năm nay vải không được mùa nên giá đẩy lên cao", anh Bắc chia sẻ.

Ngoài ra, ông Hoàn cho biết việc sản xuất và tiêu thụ vải thiều còn góp phần quan trọng trong việc thục đẩy các ngành hàng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phụ trợ phát triển như ngân hàng, sản xuất bao bì, thùng xốp, nước đá công nghiệp… Tổng doanh thu từ các dịch vụ này ước đạt trên 1.000 tỉ đồng/năm.

Cũng tại buổi lễ, một số đơn vị sản xuất cung ứng vải thiều Lục Ngan và các doanh nghiệp, siêu thị, bán lẻ tại Hà Nội trong đó có sự góp mặt của Big C, Hapro đã kí kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm vải thiều Lục Ngạn mùa vụ 2019.

Trung Quốc đặt mua sớm từ đầu vụ, giá vải thiều Lục Ngạn cao điểm đạt 70.000 đồng/kg - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp kí kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm vải thiều Lục Ngạn mùa vụ 2019. (Ảnh: Đức Quỳnh)

Vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia

Ông Hoàn cho biết năm 2019, tổng diện tích trồng vải toàn huyện đạt 15.290 ha. Trong đó, vải chín sớm khoảng 1.850 ha, chiếm 12,1%. Vải thiều chính vụ khoảng 13.440 ha, chiếm 87,9 diện tích. Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap chiếm khoảng 12.000 ha.

UBND huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt quy trình sản xuất vải thiều an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, Globalgap.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: "Dự báo tổng sản lượng vải thiều Lục Ngạn năm 2019 đạt khoảng 80.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 13.000 tấn, vải thiều chín chính vụ khoảng 67.000 tấn".

Vải thiều Lục Ngạn đặc biệt được các doanh nghiệp, thương nhân, người tiêu dùng Trung Quốc ưu chuộng, tin cậy do có chất lượng, mẫu mã vượt trội. 

Bên cạnh đó, vải thiều Lục Ngạn đã xuất khẩu sang một số thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp… và được bảo hộ bởi 8 quốc gia.

"Để phát triển vải thiều Lục Ngạn, chúng tôi xác định chú trọng vào chất lượng. Chỉ có sản phẩm chất lượng cao, đi đôi với bao bì, mẫu mã, tem truy xuất nguồn để cam kết chất lượng với người tiêu dùng thì mới mang lại hiệu quả. 

Năm nay, ngoài diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, chúng tôi có 20ha diện tích vải hữu cơ", ông Hoàn trao đổi bên lề sự kiện.

Ông Hoàn nói thêm năm 2019, huyện Lục Ngạn có 3 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở thu mua vải thiều được Trung Quốc công nhận đủ điều kiện đóng gói, xuất khẩu vải tươi Lục Ngạn vào thị trường Trung Quốc. 

Ngoài ra, Chi cục Trồng trợt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Bắc Giang, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Trung Quốc cấp thêm chứng nhận đủ điều kiện cho 78 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở thu mua, xuất khẩu trên địa bàn huyện.

Đức Quỳnh